Tàu đò cây về Đất Mũi một thời - Ảnh: DUY KHÔI
Con tàu cây năm cũ
Khi tôi đặt chân lên xóm Rạch Tàu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thì trời cũng xế bóng. Cơn gió biển theo lối sông ve vuốt những cánh rừng ngập mang về hơi muối quyện với mùi cá dễ tạo cho người ta cảm giác rằng chủ của vùng đất này thật sự là những người làm nghề cá.
Mười người mới đi đường sông phố Cà Mau về Đất Mũi trên con tàu cây (tàu thân gỗ), chắc cũng gần nửa số đó sẽ nhăn mặt nhẹ nhõm khi thoát khỏi đống thập cẩm nước mắm, nước tương và trăm thứ đồ được chất cùng con người.
Mới cách đây không lâu, dân xứ Cà Mau hễ có việc gì đó đi xuống "vùng dưới", miệt Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển... là cả một kế hoạch.
Xứ sở sông nước chằng chịt, một thời lộ làng là thứ gì đó "xa xỉ" lắm, đi đâu xa xa, người ta lại trông cậy vào những chuyến đò. Cũng vì lưu lượng người đi quá đông nên thị xã Cà Mau có hẳn hai bến tàu. Bến tàu A đóng ở phường 1, là bến của các tàu về vùng phía tây bắc, vượt sông Ông Đốc đi Rạch Ráng, Sông Đốc.
Bến tàu B đóng ở phường 8, cho các tàu về các huyện phía nam như Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Dân quen miệng còn gọi là "vùng dưới".
Ấn tượng của những người đến bến tàu B để đi tàu xuống huyện "vùng dưới" là phải băng qua "Nhị tì Tiều" (nghĩa địa của người gốc Hoa), với con đường xuyên qua hai bên là hằng hà những ngôi mộ đất. Con đường "căng não nhất miền Tây" lại là độc đạo nếu đi từ ngõ cầu Gành Hào để đến bến tàu B.
Tuy chỉ là bến tàu về huyện, một thời bến tàu B luôn là điểm nhộn nhịp với tàu bè ra vô tấp nập. Từ đò dọc chạy gần, đến những chiếc tàu tốc hành gắn máy xe, cho đến những chiếc tàu cây lù lù xếp hàng gác mũi cho những chuyến xa.
Để đi đến Đất Mũi, cách thị xã ngót 100 cây số, tôi phải có mặt tại bến tàu B từ 4 giờ sáng. Ngồi một chập cà phê mà mắt thì nhìn chăm chăm vào con tàu như thể nó chạy mất bất cứ khi nào mình lơ đễnh.
Nghĩ vậy thôi, chứ chờ từng đợt hàng, từ ống nước, mì tôm cho tới rau trái, nước mắm, nước màu, tương, chao, tàu hủ... chui vào khoang tàu, thì chỉ còn lại nỗi băn khoăn là "tui ngồi đâu?".
Người đi sớm, xuống tàu trước thì còn được xí phần mướn chiếc võng, mắc lên mui tàu để tòn ten đoạn đường dài.
Nếu được như vậy thì tuyệt cú mèo, có khác gì đi du thuyền qua vùng đất ngập đâu. Dẫu rằng, mùi hàng hóa, mùi dầu nhớt, tiếng máy ồn, tiếng trẻ khóc... quyện vào nhau không phải ai cũng dễ chịu.
Đó là khi khách đến trước, khi khoang tàu còn trống sau khi đã no hàng, còn không thì cứ tót lên mui mà gật gù với nắng gió.
Hành trình bắt đầu khi tàu rống máy nhập vào Kinh Xáng Đội Cường. Tạm biệt thị xã Cà Mau với những chiếc xuồng máy, xuồng chèo bán bánh mì, nước ngọt bám theo tàu cho đến khi nhận được cái lắc đầu cuối cùng.
Hành trình về vùng đất cuối đất Việt nào ngay cũng có nhiều phấn khởi. Là vì cuối cùng cũng có mặt trên chuyến tàu đò duy nhất trong ngày về vùng đất mà "chỉ nghe nói, chẳng thấy đâu". Thời đó, làm gì có lộ xe về tới đây. Tàu bè còn hiếm, nên lên được tàu là thấy nhẹ lo vì mình không bị bỏ lại.
Tàu theo sông Bảy Háp, vừa chạy vừa hú còi khi qua các cửa sông, thị tứ để khách đôi bờ ra ngoắc. Tàu cứ lừ lừ chạy qua Chà Là, Cái Keo, Đầm Cùng... trước khi chui vào kinh Hàm Rồng về thị trấn Năm Căn.
Năm Căn là điểm ghé quan trọng trong hành trình từ thị xã Cà Mau về Đất Mũi. Nhiều hàng hóa được lên, xuống tại đây. Nhiều hành khách từ Cả Nẩy, Hiệp Tùng, Tam Giang... đi chợ Cà Mau cũng đón tàu tại đây. Nhiều hàng quán và bán dạo cũng sống nhờ vào những chuyến tàu cập bến.
Hồi đó, về Đất Mũi, dọc đường tàu đò có ghé đón khách, nằm nghỉ bao lâu thì khách nào dám hó hé. Qua sông thì phải lụy đò thời lộ xe chưa có.
Sau tàu đò bằng gỗ, tàu cao tốc chở khách dần chiếm ưu thế ở Cà Mau cho đến khi có đường - Ảnh: DUY KHÔI
Đôi bờ mong đợi
Từ Năm Căn, sau khi đón trả hàng, khách lên xuống, cơm nước xong xuôi thì tàu mới chịu mở dây mũi tiếp tục hành trình. Từ đây, tàu nhập vào sông Cửa Lớn, con sông vắt từ biển Đông sang biển Tây, gắn liền với biết bao giai thoại của vùng đất mới thời khẩn hoang.
Con sông một thời nổi tiếng dữ dằn, với không biết bao nhiêu người nằm lại khi không vượt qua được con sông những đêm sóng gió.
Vậy nhưng, với con tàu cây lù lù thì chấp hết mọi sóng gió của sông nước Cà Mau. Có thách thức hay không là những hàng đáy vắt ngang sông, hay những tay lưới cá chẽm, cá ngát giăng ven bờ dễ cuốn vào chân vịt tàu.
Đoạn đường xuôi dòng Cái Lớn để đến Nhưng Miên, Ông Trang chui vào những con sông nhỏ, bắt đầu len lách qua những xóm rừng... mới thật sự là quãng đường kỳ thú.
Tàu về là cả sự kiện trong ngày của dân cư hai bờ, khi họ chờ hàng hóa, người thân. Không chỉ bởi thân tàu to tướng, mà tiếng động cơ xé rách bầu không khí. Trên rừng, khỉ vượn nhảy loạn, dưới sông, thòi lòi, ba khía chạy táo tác.
Có khi, tàu đi một đỗi vẫn không thấy bóng nhà. Tiếng máy vọng vào rừng, ngay lập tức như được trả về khi nó chưa kịp rời khỏi khu rừng đước.
Hành trình trên chiếc tàu cây từ phố thị Cà Mau về Đất Mũi, người mới đi như có cảm giác bị lạc vào rừng sâu bởi một đoạn đường rừng thăm thẳm. Để rồi, xóm Rạch Tàu hiện ra khi con tàu ì ạch chui qua những dãy rừng đước.
Nhiều người nhấp nhỏm như sự chờ đợi được kìm nén quá lâu. Gần 10 tiếng đồng hồ cho quãng đường sông không phải là dài. Nhưng khi nhét mình vào chiếc hộp cây, với đầy đủ mùi vị, chật chội, oi bức... và nỗi trông chờ đến đích, thì cảm giác khi đến được Đất Mũi như người đói chờ cơm.
Bỏ qua cảm giác chờ đợi khó chịu, khi chứng kiến lớp người chờ chực con tàu cập bến. Dưới sông, xuồng ghe, vỏ lãi bu tàu. Trên bờ, người người quây quanh mũi tàu. Mới thấy, con tàu là cả sự chờ đợi của người dân vùng đất cuối trời.
Vài năm sau, cũng trên tuyến sông về Đất Mũi, đã xuất hiện những chiếc tàu trung tốc, cao tốc... rút ngắn lại thời gian. Rồi mới đây, đường bộ Hồ Chí Minh đã xuyên rừng về tới tận Mũi Cà Mau. Chiếc tàu cây dần chìm vào quên lãng, mặc dù nó vẫn mỗi ngày ì ạch một chuyến để chở hàng hóa cồng kềnh mà xe không thay thế được.
Bây giờ vi vu trên xe cái vèo về Đất Mũi mà nhiều người vẫn nhớ con tàu cây ì ạch xuyên qua những cánh rừng về miền cuối đất. Nó đã in vào tiềm thức của biết bao người, của thế hệ vùng đất Cà Mau khi chưa có lộ làng.
Sau những bất tiện, chậm chạp của tàu cây từ phố thị Cà Mau về Đất Mũi, dân miệt này lại kháo nhau về loại tàu "cao tốc" lạ lẫm dần xuất hiện nhiều từ thập niên 1990. Loại tàu "chạy trên mặt nước" về Đất Mũi chỉ mất hơn 2 tiếng, như bay trên sông, có thể chở được 50 khách. Tàu cây mất dần ưu thế. Khách vắng, tàu cây trở thành tàu hàng. Rồi đến khi đường Hồ Chí Minh xuyên rừng về Đất Mũi, tàu cây và cả tàu cao tốc cũng dần trở thành hoài niệm...
**************
Tàu đò Cà Mau đưa khách về mũi đất cuối nước Việt, nhưng có những chuyến tàu lại đưa khách ra nẻo đường lên phố thị Sài Gòn đông vui.
>> Kỳ tới: Những chuyến đò đến nẻo vui
TTO - 'Mấy lần đò tui bị lực lượng chống buôn lậu rượt đuổi trên sông. Họ bắn chỉ thiên đùng đùng, nhưng dân buôn lậu ngồi kế bên kề con dao nhọn vào bụng, không chạy thì bị đâm', ông Phong kể.