Hoàng hôn vừa khuất sau rặng tre xanh cũng là lúc anh Phan Ngọc Đồng (SN 1981, trú tại thôn Vĩnh Yên, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mang đồ nghề ra các cánh đồng để thả trúm bắt lươn.
Nhiều năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn chiều tối anh lại ra đồng đặt trúm, đến sáng mai lại thu trúm lươn về nhà. Với người bình thường, công việc thả trúm bắt lươn đồng vốn dĩ đã khó khăn, nên anh Đồng phải cố gắng gấp bội lần vì cánh tay trái anh đã bị liệt.
Trên chiếc xe cà tàng chở 200 ống trúm được làm từ ống tre, ống nhựa phía sau, anh Đồng một tay lái xe vòng từ mảnh ruộng này đến cánh đồng khác. Vừa đặt ống trúm xuống cánh đồng lúa, anh kể đã theo nghề này được 4 năm nay. Bây giờ hầu như những ngóc ngách, chỗ nào nước sâu, chỗ nào nước bé, vùng nào có lươn nhiều, lươn to ở vùng này anh đều biết hết.
Anh Đồng mang trúm bắt lươn.
“Cứ buổi chiều thả thì sáng mai lại ra đồng để thu về. Trước đây thấy tôi bị vậy mà đi thả bắt lươn ai cũng nghĩ sao làm được, nhưng sau 4 năm tôi đã có nhiều kỹ năng, thành thạo bắt lươn rồi”, anh Đồng nói.
Anh Đồng từng là chàng trai khỏe mạnh như bao người khác. Nhưng vào năm 2017, khi đang đi làm thuê ở Đà Lạt, trong một vụ tai nạn lao động , anh đã bị liệt một cánh tay trái. Giờ đây, cánh tay này không thể cử động, không nắm được đồ vật, co rút nên co quắp lại.
Ở độ tuổi đang sung sức, biến cố ập đến thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh. Từ một chàng trai có sức khoẻ, làm nuôi sống được vợ, con, nhưng khi xảy ra tai nạn, sức khoẻ giảm sút, tay bị liệt khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn.
4 năm nay, hầu như ngày nào anh Đồng cũng ra những cánh đồng lúa để thả trúm bắt lươn. |
Thời gian đầu khi xảy ra vụ tai nạn, anh chán nản vì mình là chồng, là bố mà không thể lo cho vợ. Mọi sinh hoạt từ ăn uống đến mặc quần áo, tắm rửa đều nhờ vợ con giúp đỡ. Rồi đến những cơn đau âm ỉ cứ hành hạ mỗi đêm không thể ngủ yên giấc.
“Mình phải làm gì khi còn 1 tay”. Đó là những câu hỏi dằn vặt anh ngày đêm, buộc anh phải nghĩ, phải cố gắng, phải thay đổi. Biết sức khoẻ có hạn, hoàn cảnh như mình không thể kiếm được công việc làm thuê ở thành phố, vì thế khi thấy người dân thả trúm bắt lươn dưới cánh đồng, nên bắt đầu tìm tòi và mua đồ nghề.
Lúc đầu chỉ thả số lượng vài chục đến 100 ống trúm, nhưng khi dần quen với công việc anh tăng số ống lên. Như hiện nay, mỗi ngày anh thả trên 200 trúm, bắt được 5-6 kg lươn mỗi ngày, tính ra thu nhập từ 300-500 ngàn đồng/ngày.
Những con lươn sau khi thả trúm sẽ đưa về đổ vào những xô đựng để bán cho thương lái. |
“Lúc đầu vì không biết làm, lươn lại rất trơn nên đôi khi cũng gặp không ít khó khăn. Buổi ngày tranh thủ đi cuốc giun đất, bằm nhuyễn và cho vào ống trúm để làm mồi nhử. Chỉ còn 1 cánh tay nên việc cuốc giun cũng lâu hơn bình thường, mang vác cũng rất bất tiện”, anh Đồng chia sẻ.
Tuy chỉ còn một cánh tay nhưng anh Đồng rất tháo vát. Anh được mọi người trong thôn đánh giá là “vua” thả trúm bắt lươn vì độ nhanh không ai bằng.
“Có những ngày đã làm sẵn trúm và chở ra đồng nhưng ra đến nơi thì đau quá không chịu nổi lại xách trúm quay trở về và đổ đi chứ không còn sức để làm. Mặc dù vất vả, tuy chỉ là nghề làm nông, làm đồng nhưng đã giúp tôi có động lực hơn trong cuộc sống”, anh Đồng chia sẻ.
Theo Hoài Nam
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.28604031151502202-yat-tom-gnab-ihc-gnod-noul-nas-auv/nv.zibefac