Trước thông tin và lời hứa đầu tư của các doanh nghiệp tại hai huyện Hóc Môn, Củ Chi thì giá đất ở hai huyện này tăng dựng đứng, trung bình khoảng 30%-50% chủ yếu do cò đất thổi giá, vẽ bức tranh màu hồng cho người mua như bao chuyển đất lúa thành đất thổ cư, phân lô đất vườn, thậm chí bao xây dựng trong các khu đất đã có quy hoạch...
Các cò còn liên kết diễn việc mua - bán để đưa người mua vào bẫy, làm méo mó thị trường bất động sản ở khu vực này.
Hứa lo lên thổ cư chỉ tốn vài chục triệu đồng
Chiều 8-5, sau khi tìm hiểu thị trường buôn bán bất động sản và “đánh tiếng” với một cò đất tên T ở huyện Củ Chi và người này thông tin là có nhiều đất lúa, đất nông nghiệp chưa có thổ cư nhưng đảm bảo sẽ lên được thổ cư. Ông T hẹn gặp chúng tôi ở ngôi nhà mặt tiền đồng thời là quán cà phê trên đường Sông Lu (xã Trung An, huyện Củ Chi) để cùng đi xem đất.
Sau khi gặp mặt, người này dẫn chúng tôi vòng vèo vào một con đường đất đầy ổ voi, ổ gà chừng 2 m, xung quanh um tùm cây cối. Mảnh đất nằm cuối con hẻm mà ông T giới thiệu có diện tích 800 m2 ở ấp An Hòa, xã Trung An.
Cò giới thiệu một khu đất ở huyện Củ Chi. Ảnh: PV |
Mảnh đất đã được xây tường kiên cố, kế đó có một số ngôi nhà mới được hoàn thiện. “Đây là mảnh đất diện trồng cây hằng năm. Nhưng xung quanh đều là đất thổ cư, nhà dân hiện hữu hết rồi” - ông T nói.
Ông T liên tục nói về khả năng sinh lời nếu chịu mua đầu tư đất ở khu vực này. Ông mở điện thoại cho chúng tôi xem quy hoạch và giới thiệu rằng sắp tới trước mảnh đất có mở đường dự phóng rất lớn. Ông T thuyết phục: Đất trồng cây lâu năm, hằng năm nhưng nằm ở khu dân cư thì lên thổ cư được hết, kể cả đất lúa.
Nói về việc sẽ chuyển mục đích thành đất thổ cư, ông cho hay là sẽ làm dịch vụ: “Dạng như rút hồ sơ ra làm sớm, cái này huyện làm, chừng mấy chục”. Khi chúng tôi hỏi thêm “chi phí”, ông nói: huyện Củ Chi đang bị thanh tra nên chưa làm nhanh được đâu, cứ mua đất đi!
Để thuyết phục hơn, ông cho hay là đã lo đất lúa, đất nông nghiệp thành đất thổ cư, chừng hai, ba chục triệu nhưng từ từ làm, không gấp. “Tôi làm đây bao nhiêu năm, mua là lời thôi, với điều kiện phải mua đúng” - ông nói.
Nói xong ông bấm điện thoại, nói to cho chúng tôi nghe: “Lên thổ cư lẹ được không? Huyện có danh sách rồi mình rút hồ sơ làm được không? Sáu tháng hả?”. Sau đó ông giải thích: Người ông vừa gọi là bạn của lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Củ Chi. Hồ sơ khó là nhờ làm và báo giá: “Làm dịch vụ cho mảnh đất này chừng năm chục đổ lại”.
Dịch vụ môi giới nhà đất nhan nhản trên đường Song Lu, huyện Củ Chi. Ảnh: PV |
Ở huyện Hóc Môn, chúng tôi tiếp cận một cò đất theo giấy giới thiệu dán trên cột điện trên đường song hành quốc lộ 22. Cò đất này cho biết có một khu đất vườn ở cầu Lớn, đường Xuân Thới Sơn 12, huyện Hóc Môn là đất trồng cây lâu năm.
“Đất trồng cây lâu năm thì xin lên thổ cư được, anh lên 100 m2 thổ cư giá Nhà nước khoảng mấy chục triệu đồng. Anh mua về anh phân lô ra rồi lên thổ cư. Bên em có dịch vụ xin lên thổ cư” - cò đất tên P cho biết.
Hiện ở hai huyện Hóc Môn và Củ Chi việc mua bán nhà đất đang rầm rộ, dọc nhiều tuyến đường cứ có cột điện là có giấy dán rao bán đất, trên nhiều đường còn có hàng loạt đại lý môi giới nhà đất mọc lên san sát nhau. Đất ruộng lúa ở đây được hét giá hàng chục triệu đồng/m2; có khu đất nông nghiệp phân lô hét giá hàng chục tỉ đồng.
Nhu cầu bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở đang không ngừng tăng, với động lực chính đến từ cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Nguồn cung bất động sản từ trước đến nay chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng.
Thị trường nhà đất TP.HCM tăng giá 5%-10% chỉ trong vòng một tháng.
(Theo báo cáo ngày 13-5 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam)
Chính quyền khuyến cáo: Coi chừng sập bẫy cò
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch huyện Củ Chi, cảnh báo: Đất nông nghiệp lên thổ cư phải thỏa mãn hai điều kiện. Thửa đất phải phù hợp quy hoạch và phù hợp kế hoạch sử dụng đất chứ không phải muốn là được, không phải cứ trong khu dân cư là được vì nó phải có quy hoạch chi tiết nữa. “Người dân cần cẩn trọng, không nên tin lời cò đất” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, khi nghe thông tin huyện sắp lên TP, các tập đoàn lớn sẽ về đầu tư thì xảy ra sốt đất cục bộ tại các khu vực phân khu 1, phân khu 2 dọc sông Sài Gòn.
Trước tình trạng này, huyện đã ban hành kế hoạch siết chặt công tác quản lý đất đai, như công khai thông tin quy hoạch. “Đối với các khu vực “nóng”, có treo bảng khuyến cáo khu vực đất nông nghiệp, không có dự án hoặc không phù hợp chuyển thổ cư cho người dân biết” - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết sau khi áp dụng các biện pháp quản lý việc sử dụng đất thì đất đai ở huyện đã có dấu hiệu “giảm nhiệt” so với trước.
Còn một lãnh đạo của huyện Hóc Môn thì khuyến cáo người mua đất nên tìm hiểu kỹ kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, tìm hiểu các quy định về tách thửa... trên trang thông tin điện tử của huyện.
Các cò đất vẽ cho người mua toàn màu hồng, đẩy giá đất tăng ảo, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, làm méo mó thị trường bất động sản và chính quyền đã và đang khuyến cáo người dân nhưng nhiều người vẫn dính bẫy của cò đất.
Gây bất ổn an sinh xã hội về nhà ở
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), một trong những nguyên nhân giá nhà đất mất cân bằng là do việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, chưa đầy đủ, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật.
Thời gian qua đã có một số dấu hiệu biến động của thị trường bất động sản như tình trạng mất cân bằng cung - cầu, lệch pha phân khúc thị trường, phân lô, bán nền tràn lan, sốt ảo giá đất, giá nhà, lợi dụng đấu giá đất để trục lợi… Các dấu hiệu biến động trên tiềm ẩn bất ổn trên thị trường bất động sản và bất ổn an sinh xã hội về nhà ở.