Nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhỏ ở TP.HCM và cả nước đều bị kéo dài so với kế hoạch dự kiến, không chỉ một năm mà có khi 5-10 năm, kéo theo chi phí dự án tăng cao so với phê duyệt ban đầu. Điều này phản ánh rõ khi khoảng 70% khiếu nại là liên quan đến đất đai, chủ yếu tập trung về thu hồi đất, áp giá bồi thường.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bị kéo dài là do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng, do người dân không đồng tình với mức bồi thường giá đất. Từ đó, kéo theo cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính về bồi thường, tái định cư rồi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Ảnh minh họa. Ảnh:ĐỖ HOÀNG |
Hệ lụy nhìn thấy rõ đó là chi phí toàn xã hội tăng cao. Những cây cầu đang chơ vơ chờ đường dẫn nối vào vì chưa thu hồi đất. Nhiều dự án đắp chiếu vì không có mặt bằng để thi công, đến độ có khi trang thiết bị đã lắp đặt cho công trình chưa sử dụng đã lạc hậu. Cơ sở hạ tầng thì nhếch nhác do dự án xây dựng dang dở. Người dân thì bỏ công ăn việc làm để khiếu kiện. Cán bộ, công chức thì lo giải quyết khiếu kiện đất đai mà không còn thời gian để xử lý những vấn đề khác. Doanh nghiệp đầu tư thì bị kẹt, kế hoạch kinh doanh bị thay đổi vì không biết khi nào dự án hoàn thành.
Thực tế cho thấy nếu ngay từ đầu người dân nhận bồi thường giá cao thì họ vui vẻ nhận tiền bàn giao mặt bằng và ổn định cuộc sống mới. Nhưng nếu đơn giá rẻ hơn giá thị trường nhiều thì họ khiếu nại, khởi kiện. Chẳng hạn giá thị trường khoảng 4 triệu đồng/m2 mà đơn giá bồi thường 2 triệu đồng/m2 là chưa thỏa đáng. Lẽ đương nhiên, khi việc bàn giao đất bị chậm trễ, dự án đứng yên thì cái giá thiệt hại sau nhiều năm có khi cao hơn giá 4 triệu đồng/m2 đáng ra nên áp dụng ngay lúc đầu.
Khảo sát một số quốc gia, thu hồi đất thường được áp dụng cho các dự án công và được tính theo giá thị trường (Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ…). Trường hợp người dân không đồng ý sau khi đối thoại, giải quyết khiếu nại… thì nhà nước vẫn áp dụng cơ chế trưng mua hoặc cưỡng chế để lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng được đảm bảo.
Vì vậy, cần tư duy kinh tế vào trong vấn đề này, đó là áp giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường, tổng số tiền có thể cao hơn dự toán nhưng về tổng thể thì sẽ có lợi. Đồng thời cần thay đổi quan điểm về giá bồi thường, không chỉ khoản bồi thường về đất, về hỗ trợ do mất việc làm, hoa màu, di chuyển, kinh doanh..., mà cả bồi thường tổn thất tinh thần khi người dân phải rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình hoặc tổn thất do mỏi mòn chờ đợi khi nhà đất bị quy hoạch quá lâu. Ví dụ như các dự án Thanh Đa, ga Bình Triệu ở TP.HCM quy hoạch đã bị kéo dài hơn 20 năm, người dân mòn mỏi đợi chờ.
Nguyên nhân nữa là gần đây giá đất tăng quá nhanh so với thu nhập bình quân đầu người cũng như điều kiện kinh tế, kéo cả xã hội lao vào cơn lốc đất đai. Thực tế, có trường hợp đơn giá bồi thường tương đối phù hợp thời điểm phê duyệt nhưng đến khi triển khai bồi thường thì giá đất thị trường bị thổi rất cao. Lúc này người dân lại không đồng ý với giá trước đó vì thấy quyền lợi của mình bị mất, họ khiếu nại và tất cả lại bị trì hoãn.
Do đó Nhà nước cần có biện pháp kiềm chế giá đất như đánh thuế bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ đất rồi bỏ hoang để góp phần hạ nhiệt giá đất. Điều này sẽ giảm bớt áp lực về tài chính cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, xây dựng trường học, bệnh viện công có thu hồi đất.
TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM