Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - sau khi đi khảo sát sông Sài Gòn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cuộc khảo sát đặc biệt trên sông Sài Gòn được diễn ra sau khi báo Tuổi Trẻ tổ chức các hoạt động như cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" và đặc san chủ đề "Đánh thức sông Sài Gòn".
Cùng đi với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi có lãnh đạo một số sở và các chuyên gia kinh tế đô thị, lịch sử, kiến trúc sư.
Việc khai thác sông Sài Gòn phải tính toán hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước để tất cả đều đồng thuận với việc khai thác dòng sông này...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Đoạn nào làm được thì làm ngay
Sau khi xuôi về hướng biển qua bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, khu vực TP Thủ Đức, quận 7, mũi Đèn Đỏ, hành trình khảo sát sông Sài Gòn quay ngược về qua cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn và dừng chân tại bến cầu tàu Bình An lúc 17h. Trời về chiều mát mẻ, du khách nước ngoài và người dân, nhất là các bạn trẻ, tập trung rất đông nơi đây. Cuộc tọa đàm chớp nhoáng giữa lãnh đạo TP.HCM với các chuyên gia đã diễn ra ngay trong lòng không gian rôm rả, náo nhiệt.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không cần phải chờ quy hoạch hết chiều dài mới tính đến khai thác giá trị dòng sông. Ngược lại, có thể đồng thời làm quy hoạch ven sông để phát triển, khai thác lâu dài, vừa có thể tôn tạo cảnh quan, khai thác ngay giá trị của những đoạn sông có thể làm ngay.
Theo ông Sơn, TP có thể quy hoạch và làm ngay khoảng chục điểm vui chơi công cộng tại những đoạn sông dài từ 500 - 1.000m như điểm đến ở bến cầu tàu Bình An để khuyến khích và tạo thói quen cho người dân đến với không gian ven sông.
Ông ví dụ, dọc hai bờ sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến khu trung tâm có thể tạo tuyến đường đi bộ để mỗi dịp lễ, Tết, người dân có thể gửi xe dọc tuyến đường và thả bộ, đạp xe vào khu trung tâm chơi lễ, xem pháo hoa. Việc này vừa tạo không gian đi lại ven sông, vừa tạo cơ hội cho các công trình dọc hai bên đường có thể mở các loại hình dịch vụ phục vụ người dân.
"Không nhất thiết phải quy hoạch và làm hết đâu, chính quyền chỉ cần tạo khung quy hoạch từng đoạn sông cụ thể để cho mọi người dân trên dọc tuyến sông Sài Gòn được cùng chung tay nhau vào khai thác mặt tiền sông Sài Gòn", KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng sau chuyến khảo sát, TP còn phải bàn nhiều về quy hoạch, khai thác giá trị dòng sông. Nhưng ông Nên đồng tình với việc phải nghĩ đến việc khai thác trước mắt và lâu dài. "Như anh Nam Sơn nói cái gì trước mắt làm được cần làm ngay, chứ không đợi chờ đến khi có quy hoạch. Song song đó phải quy hoạch lại để tính việc khai thác lâu dài. Phải làm như thế chứ không ngồi đợi để chờ cái này xong mới làm cái kia", Bí thư Nguyễn Văn Nên trao đổi.
Các chuyên gia cùng lãnh đạo thành phố khảo sát sông Sài Gòn trên tàu Sài Gòn Waterbus chiều 15-5 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chờ dấu ấn từ dòng sông
Một cuộc mạn đàm nhỏ về tạo dấu ấn cho kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-2025) từ dòng sông Sài Gòn giữa Bí thư Nguyễn Văn Nên với các chuyên gia đã diễn ra trong gần 10 phút thuyền xuôi từ bến tàu Bình An trở về lại bến cầu tàu Bạch Đằng (quận 1).
TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ dòng sông Sài Gòn làm cho TP có yếu tố động và "đây là yếu tố dứt khoát phải bảo tồn, gìn giữ". Theo bà Hậu, trong thời kỳ chiến tranh người dân không dám đi trên sông Sài Gòn vì sợ mất an ninh. Bây giờ gần 50 năm hòa bình, TP phải làm sao để tạo ấn tượng sông Sài Gòn là dòng sông hòa bình, người dân dễ dàng đi lại trên sông.
"Việc chỉnh trang sông Sài Gòn, ít nhất từ đoạn trung tâm hướng ra biển đến mũi Đèn Đỏ phải tạo được dấu ấn hướng tới 50 năm kỷ niệm ngày thống nhất đất nước", bà Hậu nêu ý kiến.
Bà Hậu gợi ý cụ thể: cần tôn tạo khu vực mũi Đèn Đỏ trở thành một biểu tượng tự nhiên cho dòng sông Sài Gòn. Bởi đây là khu vực ngã ba Nhà Bè lâu nay vẫn được coi là điểm bắt đầu của địa danh Gia Định - Sài Gòn. Sông Sài Gòn bắt đầu chảy ra biển ở đây. Những lưu dân đi từ biển khi đi vào đây cũng bắt đầu nhận biết được vùng đất trù phú và chọn để định cư, thiết lập nên Gia Định - Sài Gòn.
Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ hai bên bờ sông về đêm chỉ có một số khu vực có công viên, tòa nhà cao tầng là sáng đèn, còn dọc chiều dài hai bên bờ sông đặc quánh màn đêm. Trong khi ở xa xa, lùi sâu vào trung tâm nhiều tòa nhà cao tầng lên đèn, sáng một góc trời. Cảnh tượng này trái hẳn với sự lung linh ánh đèn dọc hai bờ sông ở nhiều đô thị trên thế giới.
Ông Trung cho rằng đây là điều cần suy nghĩ khi TP phát triển ra bờ sông. Cần phải tạo thêm nhiều không gian công cộng, điểm vui chơi sáng đèn để tạo cơ hội tiếp cận dòng sông TP cho người dân. Trong đó phải tạo các bến cầu tàu để việc đi lại trên dòng sông tiện lợi và dễ dàng hơn.
Khẳng định "TP đang muốn phát triển không gian ven sông", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ đi xong rồi chúng ta ai cũng thấy cái đẹp, thấy tiềm năng rất lớn và thấy cả những điều chưa làm được để khai thác tiềm năng đó, và tất cả những cái này phải suy nghĩ.
Chính quyền lo làm tốt vai của mình là quy hoạch, thiết kế, còn báo chí, chuyên gia làm tốt việc hiến kế, góp ý giải pháp và người dân cùng chung tay để tới dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước chúng ta có một dấu ấn ấn tượng từ việc phát triển, khai thác sông Sài Gòn.
Phát huy cách làm hay, huy động chất xám phát triển
Phát biểu trong chuyến khảo sát, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã nhận được rất nhiều ý tưởng hay của chuyên gia, bạn đọc. Những ý tưởng này được báo Tuổi Trẻ tập hợp gửi đến lãnh đạo TP.
Chuyến khảo sát sau cuộc thi là một cuộc du hành rất đặc biệt của lãnh đạo TP trực tiếp khảo sát và cảm nhận vẻ đẹp, tiềm năng của dòng sông Sài Gòn. Ông hy vọng sau chuyến khảo sát sẽ gợi mở ra nhiều hơn các ý tưởng, giải pháp về chính sách để phát triển sông Sài Gòn, tạo nguồn lực phát triển TP.
Trao đổi lại, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết ông đã đọc qua nhiều ý tưởng góp ý của chuyên gia, bạn đọc và thấy có nhiều ý tưởng hay. Có nhiều ý tưởng ông chưa nghĩ đến. Đây là những giá trị quý cần được tập trung lại để lãnh đạo TP nghiên cứu và sẽ có những chủ trương, chính sách phù hợp.
Bí thư Thành ủy cho hay lâu nay lãnh đạo TP luôn có chủ trương huy động tất cả các nguồn lực cho sự phát triển TP, trong đó có nguồn lực chất xám của các nhà khoa học, chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, việc tìm cách nào để khai thác được nguồn lực đó là cái phải suy nghĩ. Việc tổ chức cuộc thi như báo Tuổi Trẻ là cách làm rất hay và nên phát huy.
Ông Trần Quang Lâm (giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM): Nghiên cứu 46 bến thủy trên 110km dòng sông
Chúng tôi đang nghiên cứu 46 bến thủy trên chiều dài 110km sông Sài Gòn. Các bến này sẽ được kết nối với các địa phương để địa phương kêu gọi đầu tư. Những nơi nào thuận lợi cho tư nhân tham gia sẽ khuyến khích xã hội hóa, những khu vực nào tư nhân khó tham gia sẽ do Nhà nước đầu tư.
Khu vực nào có nhà đầu tư tham gia có thể nghiên cứu làm ngay từ bây giờ chứ không nhất thiết phải chờ cập nhật quy hoạch. Hy vọng đến năm 2030, hệ thống bến tàu trên sông Sài Gòn sẽ được đầu tư đủ để phục vụ giao thông và thuận tiện kết nối du lịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dùng điện thoại ghi lại hình ảnh hai bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nguyễn Văn Lên (chủ tịch Công ty TNHH Thường Nhật - SAIGON WATERBUS): Mong muốn có rất nhiều ga tàu thủy
Doanh nghiệp rất mong muốn có thật nhiều ga tàu thủy kết nối với sông Sài Gòn, như được thêm nhiều cánh cửa mở ra sông. Qua đó tăng thêm cơ hội cho người dân được tiếp cận với dòng sông, tăng thêm các hoạt động vui chơi giải trí ven sông, trở thành điểm đến thân thiện, sinh động được mọi người dân yêu thích của một TP sông nước.
Đồng thời, đề xuất TP cho phép triển khai thí điểm tuyến waterbus từ ga tàu thủy Bạch Đằng đến quận 7 (qua các điểm như công viên ven sông Khu chế xuất Tân Thuận) nhằm chia sẻ với giao thông đường bộ và phát triển du lịch đường sông.
KTS Hồ Viết Vinh: Bảo đảm quyền tiếp cận bờ sông
Nhà nước cần có quy hoạch và quy định cụ thể cho dải đất ven sông. Những người đang sử dụng đất ven sông không được rào chắn mà phải để thông thoáng cho người khác (không phải là chủ đất) đi lại một cách tự do và thông suốt dọc sông, không được ngăn cản người khác tiếp cận bờ sông.
Nhà nước không cần thu hồi đất của dân mà cho người dân được tự do làm bờ kè, trang trí khu đất dọc sông để kinh doanh nhưng phải bảo đảm quyền tiếp cận của cộng đồng. Nơi nào vướng các công trình, không thể kết nối thông suốt với bờ sông trên đất thì có thể làm đường trên mặt nước như sông Hương ở Huế. Như vậy, Nhà nước sẽ dễ dàng khai thác được bờ sông cho cộng đồng trong thời gian nhanh nhất mà không tốn nhiều tiền.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng: Dòng sông phải của chung người dân
Sông Sài Gòn phải là của chung người dân Sài Gòn và hai bờ sông phải được tạo ra một cảnh quan ngay giữa lòng TP, có công viên hai bên bờ sông.
Dòng sông có vai trò bảo đảm mục đích thoát nước để chống ngập cho TP. Bên cạnh đó, sông Sài Gòn còn là một cửa để dẫn TP.HCM ra biển, là một hướng phát triển quan trọng của TP.HCM trong tương lai... Phải tính toán đến những cảng trung chuyển cho các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh.
Như vậy, những hạ tầng xung quanh phải phát triển như thế nào để phục vụ cho các cảng trên sông, phục vụ kinh tế biển. Đô thị hai bên bờ sông cũng phát triển dựa trên nguyên tắc đó. Quy hoạch sông Sài Gòn là quy hoạch cả vùng châu thổ sông, kết nối TP.HCM và các tỉnh bạn như Tây Ninh, Bình Dương...
TTO - 16h chiều nay, 15-5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã lên tàu Sài Gòn Waterbus, bắt đầu cuộc khảo sát. Đây là hoạt động nối dài từ cuộc thi 'Hiến kế phát triển sông Sài Gòn' do báo Tuổi Trẻ tổ chức.