Ngày 15-5, Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện để nước này xem xét việc đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một khi hai nước này đề nghị gia nhập khối, theo hãng tin Al Jazeera.
Bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Berlin, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với hai người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển rằng Ankara muốn hai nước Bắc Âu chấm dứt việc hỗ trợ các nhóm chiến binh người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của hai nước này. Đồng thời, Phần Lan và Thụy Điển phải dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: REUTERS |
Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, hai người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển đã đưa ra đề xuất để đáp lại những lo ngại của Ankara. Ông cho biết Ankara sẽ xem xét những đề xuất này.
Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối chính sách mở rộng của NATO.
Cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO, chính thức từ bỏ quy chế trung lập vốn được duy trì trong hàng thập niên qua, theo tờ The Guardian.
“Tổng thống và ủy ban chính sách đối ngoại của chính phủ đã đồng ý rằng sau khi tham khảo ý kiến quốc hội, Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO" - ông Niinistö nói trong cuộc họp báo ngày 15-5.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong cuộc họp báo chung về các quyết định chính sách an ninh của Phần Lan tại Phủ Tổng thống ở Helsinki ngày 15-5. Ảnh: HEIKKI SAUKKOMAA / LEHTIKUVA |
Ông ca ngợi quyết định này là “một ngày lịch sử” đối với đất nước Bắc Âu, đồng thời nói thêm: “Một kỷ nguyên mới đang mở ra. Rất nhiều điều đã xảy ra kể từ ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chúng tôi có được an ninh và chúng tôi cũng chia sẻ nó. Nên nhớ rằng an ninh không phải là trò chơi có tổng bằng không”.
Thủ tướng Phần Lan - bà Sanna Marin cho biết đề xuất sẽ được gửi đến quốc hội vào ngày 16-5 để phê chuẩn.
Bà Marin nói thêm rằng với tư cách là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ giúp củng cố không chỉ liên minh phòng thủ gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn đầu mà còn “củng cố EU, nơi mà tiếng nói của NATO có thể trở nên mạnh mẽ hơn”.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga và giống như Thụy Điển, nước này đã duy trì các chính sách trung lập và không liên kết kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trước đây, hai nước này coi việc trở thành thành viên của NATO là một hành động khiêu khích đối với Moscow.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine ngày 24-2 đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong suy nghĩ của người dân hai nước. Khoảng 3/4 người dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập của NATO, trong khi tỉ lệ người dân ủng hộ Thụy Điển tham gia liên minh dạo động trong khoảng 50-60%.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO, nói rằng một động thái như vậy sẽ buộc nước này phải "khôi phục cân bằng quân sự" bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ ở khu vực biển Baltic, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân.