Nguồn: NATO. Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: T.ĐẠT
Trong tuyên bố ngày 15-5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara không phản đối sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào NATO. Thay vào đó họ muốn thương thảo với hai nước này về các lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là "khủng bố" nhưng đang nhận được sự hỗ trợ từ Stockholm và Helsinki.
Tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan có tầm quan trọng hàng đầu đối với toàn bộ liên minh và đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevics
Vấn đề người Kurd
Chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại một lần nữa cho thấy họ rất nhanh khi chớp thời cơ để tìm kiếm những điều có lợi cho quốc gia mình.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các nước Scandinavia chứa chấp và hỗ trợ "khủng bố". Đây là các nhóm người Kurd cũng như những người ủng hộ ông Fethullah Gulen, một nhà truyền giáo đang lưu vong tại Mỹ bị Ankara cáo buộc là người đứng sau cuộc đảo chính năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.
Cuộc đảo chính thất bại dẫn tới một chiến dịch truy lùng những người ủng hộ ông Gulen và những căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara yêu cầu dẫn độ nhân vật này nhưng bị từ chối.
Chính quyền Ankara luôn cảnh giác với bất kỳ sự liên hệ nào của nước ngoài với các lực lượng vũ trang của người Kurd - một dân tộc sinh sống trải khắp vùng Trung Đông từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria, Iran và Iraq.
Với chủ trương ly khai, các tay súng của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đã nổi dậy ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và chiến đấu với quân đội chính phủ từ năm 1984 đến nay khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ đưa PKK vào danh sách tổ chức khủng bố, một động thái nhận được sự hưởng ứng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Ankara, bất chấp việc là thành viên của EU, Phần Lan và Thụy Điển vẫn thể hiện sự ủng hộ với PKK và thậm chí là Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) của người Kurd ở Syria. Nhiều người trong số những người di cư đến Bắc Âu là người Kurd, một số đã được cho phép tị nạn chính trị sau nhiều thập kỷ xung đột lẻ tẻ giữa các nhóm người Kurd và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hai quốc gia này đang công khai ủng hộ và dính líu tới PKK lẫn YPG - những tổ chức khủng bố đang tấn công quân đội của chúng tôi mỗi ngày", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nêu cáo buộc sau một cuộc họp của NATO tại Đức ngày 15-5 và gọi hành động của Stockholm và Helsinki là "không thể chấp nhận được".
Theo ông Cavusoglu, đây sẽ là những vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ cần đàm phán với NATO cũng như Thụy Điển và Phần Lan.
Trên thực tế việc gắn nhãn khủng bố cho PKK hiện nay đang gây tranh cãi với những ý kiến cho rằng nhóm này đã không còn dính líu tới các hoạt động giết chóc thường dân và cũng đã từ bỏ việc ly khai, chỉ yêu cầu quyền tự trị lớn hơn cho người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó Ankara xem YPG - các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - là một nhánh của PKK, do đó nghiễm nhiên đưa YPG vào trong danh sách khủng bố của nước này.
Tìm giải pháp dung hòa?
"Chúng tôi không đóng sầm cửa với ai cả. Về cơ bản chúng tôi đang nêu vấn đề này như một vấn đề an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên kiêm cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nói với Hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở Istanbul cuối tuần trước.
"Điều cần phải làm cho rõ là các nước này phải ngừng cho phép các cơ sở, các hoạt động, các cá nhân và các hình thức hiện diện khác của PKK tồn tại ở đó. Chúng ta sẽ biết mọi thứ diễn ra như thế nào và đây là điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn thu hút sự chú ý của tất cả các đồng minh, cũng như nhà chức trách Thụy Điển", ông Kalin nói thêm.
Theo giới quan sát, với tình hình hiện tại, Thụy Điển và Phần Lan sẽ cần đến tiếng nói của các quốc gia khác có tầm ảnh hưởng trong NATO như Mỹ, Anh và Đức.
"Chúng tôi sẽ cử một nhóm các nhà ngoại giao đến Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức các cuộc đối thoại, để xem việc này có thể giải quyết như thế nào và thực hư vấn đề này là gì", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist thông báo ngày 16-5.
Thực tế cho thấy sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biểu thị sự không ủng hộ, Mỹ đã lập tức thể hiện vai trò lãnh đạo khi tổ chức điện đàm với các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời kêu gọi Ankara làm rõ quan điểm.
Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevics cho biết NATO sẽ tìm ra một giải pháp hợp lý để Phần Lan và Thụy Điển được chấp nhận làm thành viên mà vẫn dung hòa được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận giữa các đồng minh với nhau nhiều lần trước đây. Bởi vì chúng tôi đã luôn tìm ra các giải pháp hợp lý, tôi nghĩ chúng tôi sẽ tìm ra được giải pháp cho lần này", ông Rinkevics tự tin cho biết hôm 15-5.
Nga tiếp tục cảnh báo
Ngày 16-5, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không có vấn đề gì với Phần Lan hay Thụy Điển, nhưng ông nói Matxcơva sẽ phản ứng trước việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này, theo Hãng tin Reuters.
Cùng ngày, Thụy Điển thông báo nước này quyết định sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với Phần Lan. Tuy nhiên, Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển không muốn có vũ khí hạt nhân hay các căn cứ quân sự của NATO vĩnh viễn tại nước này một khi trở thành thành viên của liên minh này.
TTO - Anh, Pháp, Canada ủng hộ sau khi chính quyền Thụy Điển theo gót Phần Lan tuyên bố quyết định nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối.
Xem thêm: mth.68641757071502202-otan-oav-ua-cab-nac-yk-ihn-oht-oas-iv/nv.ertiout