Hãng tin Bloomberg ngày 17-5 đã thống kê danh sách các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và với Phần Lan và Thụy Điển, nếu hai nước này muốn gia nhập liên minh.
Các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc các bên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Ankara sau vụ nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, cũng như tái đưa vào chương trình máy bay tiên tiến F-35, Bloomberg dẫn nguồn "ba quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ" cho hay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Ảnh: AA |
Ngày 15-5, Phần Lan và Thụy Điển chính thức xác nhận ý định gia nhập NATO. Để được kết nạp, hai nước này phải đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên NATO.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không "gật đầu" với Helsinki và Stockholm vì hai nước này không có “lập trường rõ ràng và dứt khoát” chống lại đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C) - các nhóm Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Theo Bloomberg, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan “tố cáo công khai không chỉ PKK mà cả các nhánh nhỏ của nó trước khi được phép gia nhập khối”.
Như Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã xác nhận hôm 16-5, Ankara cũng muốn Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ các hạn chế thương mại mà họ đã áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, như các nguồn tin của Bloomberg cho biết danh sách mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ còn dài hơn nữa.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ muốn được tái gia nhập chương trình mua bán máy bay tiên tiến F-35 mà nước này đã bị cấm sau khi họ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Ankara cũng yêu cầu Mỹ bán các máy bay chiến đấu F-16 từ và nâng cấp phi đội hiện có của mình.
Ankara cũng mong muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Ankara sau vụ nước này mua tên lửa S-400.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Bloomberg đã bác bỏ những nghi ngờ rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO xuất phát từ lo ngại liên quan đến quan hệ Ankara-Moscow. Nga đã cảnh báo Helsinki và Stockholm không nên gia nhập NATO và tuyên bố sẽ có phản ứng thích hợp nếu họ tạo ra các mối đe dọa.
Ngày 16-5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh có giá trị và mọi lo ngại về an ninh đều cần được giải quyết”.