Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giơ hai bìa màu trắng là đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
"Đây là một thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm bắt", Hãng tin Reuters trích lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một buổi lễ ngắn gọn ngày 18-5.
Khoảnh khắc được nhiều người mô tả sẽ đi vào lịch sử là lúc đại diện Thụy Điển và Phần Lan trao cho phía NATO đơn xin gia nhập được đựng trong tập hồ sơ màu trắng in nổi quốc kỳ.
"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Chúng tôi tin rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho các nước NATO ở biển Baltic", ông Stoltenberg khẳng định.
Theo quy định của NATO, việc kết nạp thành viên mới phải nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên hiện có. NATO đang có 30 nước thành viên, đồng nghĩa tất cả 30 nước này phải gật đầu thì Phần Lan và Thụy Điển mới được gia nhập.
Một số nhà ngoại giao tính toán quá trình phê chuẩn của các nước thành viên có thể phải mất đến 1 năm.
Đó là còn chưa kể đến việc Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, đang không ủng hộ việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển với lý do các nước này hỗ trợ những lực lượng chống đối, khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận được đơn xin gia nhập từ đại diện Thụy Điển ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả các vấn đề và đưa ra kết luận nhanh chóng, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các đồng minh khác", Tổng thư ký NATO Stoltenberg trả lời khi được hỏi về thái độ của Ankara.
"Tất cả các đồng minh đều nhất trí về tầm quan trọng của việc mở rộng NATO. Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng chúng tôi phải sát cánh cùng nhau", ông Stoltenberg giải thích thêm.
Helsinki, Stockholm và các đồng minh phương Tây khác vẫn lạc quan rằng họ có thể vượt qua sự phản đối của Ankara.
Đại diện các nước thành viên tại NATO sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập trong hôm nay 18-5 và có thể bật đèn xanh cho bước tiếp theo là mở các cuộc đàm phán chính thức với Phần Lan, Thụy Điển.
Phản ứng của Nga trước các diễn biến mới sẽ là điều đáng theo dõi, xét đến việc Phần Lan - một nước đã hàng chục năm trung lập và giáp biên giới Nga - đứng trước cơ hội trở thành thành viên của tổ chức mà Matxcơva tin rằng đang đe dọa an ninh quốc gia của họ.
TTO - Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra một vài trận sóng gió khi thể hiện thái độ không ủng hộ sự có mặt của Phần Lan và Thụy Điển trong NATO. Lời giải thích của Ankara cho thái độ có phần khó hiểu này đến từ yếu tố lịch sử.
Xem thêm: mth.66732934181502202-neid-yuht-nal-nahp-auc-pahn-aig-nix-nod-nahn-otan/nv.ertiout