Tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ đã có phần trình bày với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán (1) Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập; (2) Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật; và (3) Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung. Đây là những chủ trương đã giúp nền kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ một nền kinh tế kém phát triển đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trong phần trình bày, Thủ tướng tập trung làm rõ 3 vấn đề:
Thứ nhất, vì sao phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa “thế giới phẳng”, hầu hết các quốc gia muốn phát triển bền vững, tránh lệ thuộc vào bên ngoài đều phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tình hình thế giới thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện. Bối cảnh đó đòi hỏi các nước phải chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập; trong đó, khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế. Đây cũng là xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước, nhất là các nước đang phát triển là hướng tới xây dựng nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ vững mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với hội nhập quốc tế nhằm vươn lên thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành nước phát triển.
Thứ hai, một số quan điểm, mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam, được thể hiện cụ thể trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam là đến năm 2030 trở thành là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam để đạt được các mục tiêu trên gồm: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; Xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; Tập trung thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thứ ba, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới bao gồm:
Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất.
Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh.
Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.
Sau bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bộ Công thương và Thống đốc NHNN có phần phát biểu. Từ góc độ của ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu làm rõ vai trò của NHNN trong việc góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập – tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Mở đầu bài phát biểu, Thống đốc chia sẻ Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cửa lớn so với các nước trên thế giới (Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP vào khoảng gần 200%). Hội nhập sâu rộng với nền kinh tế giới mang lại rất nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức đối với điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi tham luận chính sách tại Trường Đại học Harvard
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam và NHNN luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN không chủ quan với lạm phát. Với tinh thần đó, NHNN luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế, nâng cao công tác phân tích, dự báo, phản ứng linh hoạt, phối kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn giữa các công cụ và giải pháp CSTT nhằm đạt được mục tiêu đề ra, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, lạm phát luôn được kiểm soát, duy trì ở mức thấp, dưới 5%, đi đôi với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Nhiều thời điểm, kinh tế thế giới biến động khó lường, căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa các nước gia tăng, song những phản ứng của chính sách tiền tệ khá linh hoạt, nhanh nhạy, góp phần ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thống đốc cũng chia sẻ việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ có sự đóng góp của chính sách tiền tệ thông qua những phản ứng linh hoạt giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp khác. Theo đó, Thống đốc bày tỏ sự đồng tình với khuyến nghị của Giáo sư David Depice, trường Đại học Harvard Kennedy về việc Việt Nam cần đa dạng hoá về đối tác thương mại. Đồng thời, Thống đốc cũng cho rằng cần có các giải pháp để khai thác cầu nội địa, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thách thức đối với điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.
Buổi thảo luận chính sách diễn ra một cách thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thống đốc tại trường Đại học Harvard danh tiếng.
Đại học Harvard được thành lập năm 1636 tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts. Đây là một trong những đại học chất lượng giáo dục hàng đầu của Hòa Kỳ và trên thế giới. Theo thống kê, trong số các tổng thống Hoa Kỳ, có tám người là cựu sinh viên Harvard; khoảng 150 người được trao giải Nobel từng là sinh viên, giảng viên, hay nhân viên của Đại học này. Tham dự buổi tọa đàm có Giáo sư Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Kennedy, Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Chính sách công Kennedy và đông đảo các giáo sư, nghiên cứu sinh và sinh viên quan tâm tới Việt Nam đang theo học tại Đại học Harvard.
HTQT
Ảnh: Nhật Bắc
Xem thêm: 012894VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www