Trong khuôn khổ diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch chuyên đề chuyển đổi số ngày 18/5, cuộc bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu 2022 đã được phát động nhằm vinh danh các doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường du lịch; những doanh nghiệp năng động, sáng tạo vượt qua đại dịch và phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu 2022, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế có khả năng tạo dựng và quảng bá diện mạo quốc gia, du lịch còn đóng góp đáng kể thúc đẩy các ngành kinh tế hỗ trợ phát triển theo. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua những ngày u ám khi đa số phải ngừng hoạt động và cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.
“Nhằm vinh danh các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường du lịch, những doanh nghiệp đã có sự năng động, sáng tạo để vượt qua đại dịch và phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch uy tín, được khách hàng đánh giá cao, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện Chương trình bình chọn Doanh nghiệp du lịch tiêu biểu 2022”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.
Chương trình có sự tư vấn và tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng…
Đối tượng tham gia bình chọn bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong cả nước, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực: lữ hành; cơ sở lưu trú, vận chuyển khách du lịch, nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch, các dịch vụ phục vụ khách du lịch... trên phạm vi cả nước.
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp
Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại Diễn đàn “Luồng xanh”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về nhiệm vụ phát triển kinh tế số du lịch, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực.
Trong đó, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.
Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua "những ngày đau đớn" nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết.
Vì thế, ông Phòng cho rằng, dù đại dịch đã khiến cả "ngành công nghiệp không khói" trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc "lột xác," để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.
Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Hương Anh (tổng hợp)