Ở vùng núi hẻo lánh thuộc huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, có không ít các hộ dân sở hữu hàng chục héc ta đất vườn rừng, nhưng không phải ai cũng nhận ra được giá trị từ vườn rừng nên giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao.
Nhận ra nguyên nhân khiến kinh tế gia đình và bà con còn gặp khó khăn dù sở hữu đất đai rộng lớn, chàng thanh niên Hoàng Văn Dũng, người dân tộc Tày, sinh năm 1997, ở thôn Đồng Tâm, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá quyết định đi “tầm sư học đạo” rồi sau đó trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Khác với các bạn cùng trang lứa thường có xu hướng đi học hoặc tìm việc làm ở những thành phố lớn, sau khi học hết phổ thông trung học, Hoàng Văn Dũng quyết định không thi vào đại học. Thay vào đó, anh ôm chí lớn lập nghiệp trên 50ha đất vườn rừng của gia đình bằng việc thành lập trang trại với tên gọi Bamboo Farm.
“Ở quê em là vùng sâu vùng xa nên dân cư thưa thớt, đất đai thì rộng mênh mông. Số hộ gia đình có trên 10ha đất rất nhiều, nhưng đa phần mọi người, cũng như gia đình em, chưa nâng cao được giá trị sản phẩm nông nghiệp, chưa tạo được nguồn thu nhập cao từ các sản phẩm mình làm ra nên cuộc sống còn nhiều khó khăn”, Hoàng Văn Dũng chia sẻ về thực trạng khiến anh quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương mình.
Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, nên Dũng không nề hà khó khăn. Sẵn có niềm đam mê với nông nghiệp quy mô lớn nên chàng trai 25 tuổi chấp nhận vất vả dù phải đánh đổi nhiều thứ.
Tự thấy mình thua thiệt về môi trường học tập, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dũng đã rời bản làng về Hà Nội học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp bằng cách dành ra 2 năm làm phân trùn quế. Đó là khoảng thời gian quý báu giúp anh vừa tích luỹ kiến thức, vừa được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
“Em tự thấy mình cũng có tinh thần tự học khá tốt. Cho đến nay em vẫn tự học bằng cách đọc sách; tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ; tìm kiếm thông tin thông qua internet;…”, Hoàng Văn Dũng nói.
Măng tươi vẫn là nguồn thu nhập chính của trang trại, dù mới chỉ khai thác được khoảng 20% diện tích. |
Với 50ha trang trại hiện có, Dũng dành hẳn 40ha trồng tre để thu hoạch măng tươi. Đó cũng là lý do vì sao trang trại của anh được đặt tên là Bamboo Farm. Vì trồng tre với mục đích chính là thu hoạch măng nên không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, giữ cho rừng luôn duy trì màu xanh.
10ha còn lại được anh trồng xen canh các loại cây như: bưởi, cam, nhãn, mít, ổi, dứa, chuối, ngô, sắn,…, số còn lại được dành cho cây lâm nghiệp như cây keo, cây mỡ.
Vườn cam, vườn bưởi của trang trại đã cho thu hoạch. |
Ngoài ra, trang trại của gia đình anh còn nuôi một số vật nuôi như trâu, lợn, gà, cá, vịt. Dũng cho biết mỗi loài anh “nuôi một ít”, nhưng đàn lợn rừng thả rông của anh lúc nào cũng trên dưới 50 con, và đàn gà, vịt lên tới hàng nghìn con.
Việc trồng và chăm sóc cây do một mình Dũng đảm nhiệm, còn việc chăn nuôi được bố mẹ của anh chịu trách nhiệm. Khi vào thời vụ chính, gia đình sẽ phải thuê thêm nhân công mới có thể đảm bảo khối lượng công việc. Thấy con trai chịu thương chịu khó, sản phẩm làm ra lại tiêu thụ tốt nên bố mẹ Dũng cũng ủng hộ con trai trong mọi quyết định.
“Farm sẵn có nhiều cây chuối và bã sẵn nên toàn bộ lợn, gà của trang trại đều được ăn cám, ngô, chuối và bã sẵn. Cám được nấu bằng củi tận dụng từ chính những cây tre già cỗi”, Hoàng Văn Dũng cho hay.
Mô hình trang trại này mới chỉ thực sự hình thành từ cách đây 5 năm nên nguồn thu chưa thực sự dồi dào. Vì vừa làm vừa học nên đôi khi kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Đến nay 40ha tre mới chỉ cho khai thác được khoảng 20% nhưng cũng cho thu hoạch mỗi năm khoảng 10 tấn măng. Ngoài măng tươi, năm vừa qua trang trại thu hoạch cam và bưởi với sản lượng 1,5 tấn cam và hơn 5.000 quả bưởi.
Những gốc cam cho thu hoạch 1,5 tấn/vụ. |
Gần như toàn bộ sản phẩm nông sản từ trang trại đều được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, thông qua những đầu mối bán hàng online. Măng tươi, gà, vịt, thịt lợn,… được Dũng gửi xe khách xuống Hà Nội. Nhu cầu cao của thị trường Hà Nội giúp nông sản do gia đình anh làm ra luôn được tiêu thụ hết veo. Các sản phẩm này thường được bán với giá cao hơn từ 30%-50% so với giá bán ngay tại vườn. Tuy nhiên, Dũng cho biết giá bán còn có thể cao hơn nữa khi anh hoàn thiện quy trình đóng gói sản phẩm.
Trên trang Facebook cá nhân, chàng thanh niên dân tộc Tày thỉnh thoảng lại thông báo “lịch mổ lợn”, mỗi lần đăng tin là con lợn vài chục kg được khách vào đặt hàng trong nháy mắt.
Hoàng Văn Dũng bên đàn lợn thả rông của gia đình. |
“Em không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng lại gặp không ít khó khăn trong khâu đóng gói và vận chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội. Ở trên bản điện yếu nên không thể chạy máy hút chân không, trong khi vận chuyển đường xa hàng trăm cây số”, Hoàng Văn Dũng chia sẻ.
Chàng trai 25 tuổi cho biết, thời gian tới khi tre già đồng loạt, trang trại sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán cây tre. Nhưng trước mắt, anh đang bắt đầu triển khai trồng cây dược liệu theo hướng vi sinh. Việc trồng cây dược liệu được coi là mảnh ghép hoàn hảo để thời gian tới Hoàng Văn Dũng triển khai làm homestay phục vụ khách du lịch trải nghiệm trên chính trang trại của gia đình.
Theo Tuân Nguyễn
Infonet