Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 84,73 triệu ca mắc và hơn 1,028 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 38.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Theo kết quả từ một nghiên cứu tại Mỹ, những người mắc COVID-19 có thể chịu ảnh hưởng về tim mạch, sức khỏe tim mạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một năm sau khi xuất viện, so với những người không mắc bệnh, người từng mắc COVID-19 thể nặng có nguy cơ xuất hiện các biến chứng tim mạch cao hơn 65%. Các biến chứng này gồm đau tim, trụy tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Nghiên cứu cũng chỉ ra kể cả những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không phải nhập viện cũng có nguy cơ cao hơn gặp phải các vấn đề về tim mạch một năm sau khi nhiễm bệnh. Nhóm này có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch cao hơn 39% so với nhóm chưa từng mắc COVID-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra những khuyến nghị mới liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, trong đó kêu gọi người dân tại những khu vực lây nhiễm cộng đồng ở mức cao đeo khẩu trang. Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 19/5, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho rằng, những địa hạt ở Mỹ có mức lây nhiễm COVID-19 cao trong cộng đồng nên khuyến khích người dân đeo khẩu trang tại các không gian công cộng trong nhà, còn những người sinh sống tại khu vực có mức lây nhiễm trung bình nên cân nhắc đeo khẩu trang tùy theo mức độ nguy cơ.
Theo bà Walensky, hiện hơn 32% người dân Mỹ sống tại các khu vực có tỷ lệ lây lan COVID-19 trong cộng đồng ở mức trung bình hoặc cao. Trong đó, người dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao chiếm khoảng 9%, tại khu vực nguy cơ trung bình là 23%.
Giới chức y tế Mỹ đang cân nhắc việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho nhóm đối tượng dưới 50 tuổi trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại nước này. Giám đốc CDC Mỹ Rochella Walenksy nêu rõ, số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ đã tăng mạnh trong 5 tuần qua, với số ca mắc trung bình/ngày trong 7 ngày qua đã tăng 26% so với 7 ngày trước đó, lên tới 94.000 ca/ngày, và tăng gấp 3 lần so với tháng 4. Số ca nhập viện trung bình trong 7 ngày qua đã tăng 19%, lên khoảng 3.000 ca/ngày và số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 275 ca/ngày.
Cuối tháng 3 vừa qua, giới chức y tế Mỹ đã cho phép tiêm liều tăng cường thứ 2 (liều vaccine thứ 4) sử dụng vaccine của các hãng Moderna và Pfizer-BioNTech cho những người từ 50 tuổi trở lên, sau khi những dữ liệu cho thấy sự suy giảm khả năng miễn dịch và rủi ro do các dòng phụ của biến thể Omicron gây ra ở nhóm đối tượng này.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại Mỹ đã đẩy nhu cầu việc sử dụng các loại thuốc điều trị tăng theo. Cụ thể, riêng thuốc điều trị COVID-19 đường uống Paxlovid của Pfizer-BioNTech đã tăng tới 315% trong 4 tuần qua.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,13 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 665.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,75 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Mũi vaccine mRNA thứ 4 có thể mang lại thêm những lợi ích thiết thực. (Ảnh: AP)
Trong bối cảnh biến thể Omicron cùng các biến thể phụ vẫn đang lây lan mạnh trên toàn cầu, một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cho biết, việc tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19 (mũi thứ 4) cho những người dễ bị tổn thương nhất có thể mang lại một số lợi ích.
WHO cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng liên quan đến giá trị của mũi vaccine tăng cường đối với các nhóm đối tượng gồm nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và người có hệ miễn dịch kém. Theo WHO, nhóm chuyên gia đã đánh giá dữ liệu hạn chế từ 7 nghiên cứu đối với các mũi tăng cường thứ hai vaccine dựa trên công nghệ mRNA, nhưng không có đủ thông tin chứng minh hiệu quả ở những người khỏe mạnh và trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, ở những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong, mũi vaccine mRNA thứ 4 có thể mang lại thêm những lợi ích thiết thực.
Số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ đang có xu hướng gia tăng trở lại trong bối cảnh nhiều nước đã chấm dứt các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước vẫn chưa đạt yêu cầu. Đây là cảnh báo do Tổ chức Y tế liên Mỹ đưa ra.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế liên Mỹ, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng 27,2% so với tuần trước đó. Trong tổng số 918.000 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở khu vực châu Mỹ trong tuần qua, có tới 33% số ca là ở Mỹ. Đáng chú ý là việc số ca bệnh mới đã tăng tới 80% ở khu vực Trung Mỹ. Trong khi đó, tại Brazil, quốc gia đông dân thứ hai ở khu vực, số ca mắc mới tăng 9%.
Tổ chức Y tế liên Mỹ cảnh báo, hiện nay số người phải đối mặt với rủi ro mắc COVID-19 vẫn rất cao vì mới chỉ có 14 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số .
Số liệu thống kê của Đức cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đã giảm đáng kể nhờ được tiêm chủng vaccine. Theo các bác sĩ Đức, quyết định triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đã đạt được hiệu quả cao, khi số ca nhập viện hàng ngày tại các bệnh viện nhi giảm hẳn, chỉ còn trung bình 1 ca/cơ sở y tế/ngày.
Các bác sĩ chỉ ra rằng, 2 mũi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả chống hội chứng COVID-19 kéo dài hoặc viêm đa hệ ở trẻ em đối với nhóm 12 - 18 tuổi. Theo số liệu cập nhật của Chính phủ Đức, quốc gia châu Âu này đến nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 19,5% nhóm trẻ 5 - 11 tuổi và 66,7% cho nhóm trẻ 12 - 17 tuổi.
Một cuộc thăm dò mới đây tại Anh cho thấy, chưa đến 20% số trẻ em dưới 6 tuổi hoạt động thể chất đầy đủ sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, một báo cáo phân tích mới dự báo đến năm 2040, nước Anh sẽ có 21 triệu người béo phì.
Kết quả cuộc thăm dò của hãng YouGov đối với các bậc phụ huynh tại Anh cho thấy, 60% số trẻ em không tăng hoạt động thể chất kể từ khi Chính phủ Anh áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19. Chỉ 19% số trẻ em từ 1 - 5 tuổi dành hơn 3 h/ngày cho hoạt động thể chất theo khuyến cáo để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu Anh gần đây phát hiện ra rằng, vaccine ngừa COVID-19 dường như giúp giảm các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài . Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vẫn cần nhiều nghiên cứu mới có thể chứng minh được hiệu quả của vaccine trong việc điều trị các triệu chứng của COVID kéo dài.
Bộ Y tế Italy đã gửi văn bản đến chính quyền các địa phương, yêu cầu hành động để nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19. Bộ trên nêu rõ, mặc dù hơn 91% số người Italy trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 nhưng vẫn còn hơn 6 triệu người chưa tiêm mũi nào. Hơn nữa, chiến dịch tiêm liều vaccine thứ tư cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng và những người trên 80 tuổi đã không thành công như mong đợi.
Văn bản của Bộ Y tế Italy nhấn mạnh, việc không tiêm vaccine khiến những người dễ bị tổn thương nhất dễ mắc bệnh nặng. Ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của các cá nhân, vấn đề này cũng khiến các bệnh viện gặp rủi ro một cách có hệ thống.
Bộ trưởng Bộ Y tế Hy Lạp Thanos Plevris cho biết, nước này sẽ tạm dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời hay không gian kín từ tháng 6 đến tháng 9 tới. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ERT, Bộ trưởng Plevris nêu rõ: "Từ ngày 1/6 đến 15/9, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được tạm dỡ bỏ tại toàn bộ các khu vực ngoài trời và trong nhà". Trong khi đó, quy định đeo khẩu trang vẫn có hiệu lực tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus và tàu điện ngầm.
Hy Lạp sẽ tạm dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời hay không gian kín. (Ảnh: AP)
Dự kiến, Chính phủ Hy Lạp sẽ công bố việc đeo khẩu trang tại trường học và trên các phương tiện vận tải đường biển vào tuần tới. Bộ trưởng Plevris cho biết, mặc dù quy định này được tạm thời dỡ bỏ và không áp đặt mức phạt nào, nhưng những người thuộc nhóm dễ lây nhiễm nên tiếp tục đeo khẩu trang.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế của kêu gọi Chính phủ và chính quyền địa phương ở nước này khẩn trương áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc , trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại ở một số địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia (AMA), Giáo sư Omar Khoshid, cho biết hệ thống y tế của bang Tây Australia sẽ không thể ứng phó với nguy cơ 25.000 ca mắc mới COVID-19/ngày căn cứ tình hình lây lan dịch bệnh thực tế hiện nay.
Các bang của Australia hiện đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn mọi quy định bắt buộc liên quan dịch bệnh COVID-19. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Australia (ABS), tuần trước, khoảng 78% người có mặt tại các khu vực công cộng ở nước này đeo khẩu trang, ít hơn đáng kể so với tỷ lệ 90% trong tháng 3.
Triều Tiên đang tăng cường sản xuất thuốc và vật tư y tế, cũng như khuyến khích sử dụng các loại thuốc cổ truyền được cho là có thể giảm sốt và giảm đau khi nước này đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/5 cho biết, các nhà máy ở thủ đô Bình Nhưỡng và những khu vực lân cận đang sản xuất thêm nhiều loại thuốc, nhiệt kế và các vật tư y tế khác. Trên cả nước cũng lập nhiều khu cách ly hơn và tăng cường khử trùng. Làn sóng COVID-19 mà Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận vào tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về việc nước này thiếu nguồn lực y tế và vaccine. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về những hậu quả nặng nề đối với 25 triệu người dân của nước này. Tính đến tối 18/5, Triều Tiên đã ghi nhận hơn 1,9 triệu ca có triệu chứng sốt và 63 ca tử vong.
Từ ngày 20/5 tới, du khách từ các thành phố của Mỹ gồm Los Angeles, New York và San Francisco bay đến Trung Quốc sẽ không cần xét nghiệm RT-PCR đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng 7 ngày trước chuyến bay. Đây là thông báo của Đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ.
Các yêu cầu trước đây về xét nghiệm kháng thể trước chuyến bay cũng sẽ được bãi bỏ. Tuy nhiên, du khách vẫn phải làm hai xét nghiệm RT-PCR trong vòng 48 giờ hoặc 24 giờ trước hoặc sau chuyến bay, tùy thuộc vào sân bay xuất phát, và một xét nghiệm kháng nguyên.
Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 hàng tuần, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, số ca mắc COVID-19 đang ổn định trên toàn cầu, nhưng hiện có 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng. Đứng đầu danh sách là vùng Đông Địa Trung Hải với số ca mắc tăng 68% so với tuần trước đó. Trong đó Bahrain, Saudi Arabia và Iran là những nước có số ca mắc cao nhất. Tiếp đó là khu vực Tây Thái Bình Dương với số ca mắc tăng 14%. Khu vực châu Mỹ ghi nhận số ca mắc tăng 26% và châu Phi tăng 6%.
Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục thuyên giảm, trừ khu vực châu Phi, nơi ghi nhận số ca tử vong trong tuần trước tăng 48% so với 7 ngày trước đó.
Theo Quỳnh Chi
VTV News