Là con cưng của "vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa - TGĐ Tôn Văn Group nhưng sau khi kết thúc chương trình học ở Mỹ, Tôn Nữ Xuân Quyên lại quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp với những chiếc bút "hạng sang" khiến nhiều người bất ngờ.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tôn Nữ Xuân Quyên sang Mỹ du học tại trường Đại học Brigham Young theo diện trao đổi văn hóa. Trong 4 năm học Đại học, dù có học bổng 100% và là tiểu thư của ông "vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa, Xuân Quyên vẫn cố gắng tự làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt.
Mục đích học tại Mỹ là "Đến để học, ra đi để phục vụ"
Đại học Brigham có slogan "Enter to learn, Go forth to serve" (Đến để học, ra đi để phục vụ) khiến Quyên rất tâm đắc, và đúc rút rằng: "Để quyết định một điều có đúng hay không, thì cứ tưởng tượng nếu 10.000 người khác làm như mình thì xã hội sẽ tốt hơn hay xấu đi?".
Quyên tự vấn bản thân: Nếu ai cũng đi du học và trở về cùng giúp đóng góp xây dựng đất nước, mang sản phẩm Việt vươn tầm quốc tế, và tạo việc làm cho người Việt Nam thì sẽ tốt cho đất nước mình. Chính vì vậy, Quyên quyết tâm về và chọn Việt Nam để "ra đi để phục vụ".
Tôn Nữ Xuân Quyên là con gái của doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa, người dẫn đầu trong ngành xuất khẩu nút áo bằng vỏ sò, ngọc trai. Cũng vì lý do đó mà Quyên nhất quyết về nước khởi nghiệp với một sản phẩm mới. "Tôi muốn có sản phẩm mới vì ba tôi đã là "trùm" nút rồi thì sao tôi là trùm được", chị Xuân Quyên tiết lộ.
Quyên đã cùng ba của mình khởi nghiệp 3 lần. Lần 1 là công ty về dịch vụ từ khi còn là sinh viên, lần thứ 2 công ty thực phẩm suốt 7 năm. Đến lần thứ 3, Quyên quyết định "theo nghề" của gia đình nhưng có sự sáng tạo hơn bằng cách dựa trên thế mạnh nguồn nguyên vật liệu 25 năm từ khắp thế giới (Mỹ, New Zealand, Nhật, Tahiti, Úc…) của gia đình.
Từ đó, Xuân quyên bắt đầu khởi nghiệp với một loạt sản phẩm mới từ vỏ ngọc trai như bút ngọc trai, trang sức, đèn, khuy măng sét, dây chun, hộp đựng namecard, ốp tường….
Lựa chọn khởi nghiệp với bút bi xuất phát từ sở thích viết và đọc sách. Khi thấy các thương hiệu lớn làm được và tại Việt Nam chưa có thật sự nhà sản xuất tạo ra dòng bút cao cấp (fine writing instrument), Quyên cũng bắt tay thử sức.
"Những sản phẩm bút đầu tiên được "khai sinh" đã nhận được nhiều lời khen nên tôi lấy đó làm động lực để tạo ra những mẫu mới", Quyên nói.
Từ khi khởi nghiệp với nghề mang tính thẩm mỹ cao như vậy, Quyên tự nhận mình khó tính hơn hẳn bởi ngồi soi bút rất kỹ trước khi giao cho khách không được có dấu vân tay trên bút, ngòi bút viết phải mượt, không được có bất kỳ vết xước nhỏ nào….
"Trước dễ tính thấy gì cũng đẹp. Giờ tôi tự thấy mình khó tính hẳn vì ngồi soi bút rất kỹ trước khi giao cho khách", vị CEO cho hay.
Sau 3 năm khởi nghiệp: Đóng 3 mặt bằng đắt đỏ, âm vào vốn, vừa làm vừa trả nợ
Khi bắt đầu khởi nghiệp, Quyên cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về vấn đề nhân sự là lớn nhất. "Tôi thấy khó khăn ở nhân sự do không hiểu về nhân sự trong 6 -7 năm đầu, không chính sách, không KPI, không hiểu về mức lương phù hợp cho từng vị trí mà chỉ tham khảo trên một số nền tảng và áp dụng theo nên không ra được định biên về khối lượng công việc", Quyên nhớ lại.
Minh chứng là việc định biên công việc dành cho giao hàng vẫn chưa được quy củ khi chưa ước chừng một ngày giao được bao nhiêu chuyến là nhiều, giao bao nhiêu chuyến là ít. Sales cũng vậy, cần bao nhiêu doanh số là đủ sức hoặc chế độ thưởng cũng chưa được rõ ràng. Tất cả dẫn tới việc bộ máy vận hành không có lộ trình rõ ràng.
Bên cạnh đó, chị Quyên còn gặp phải vấn đề về nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bởi chưa biết cách áp dụng thời gian đóng bảo hiểm cho nhân viên. Chị đã áp dụng đóng bảo hiểm cho cả những nhân viên thử việc.
"Thú thật tôi không phải là người quản lý vốn giỏi, không hiểu về thị trường. Ví dụ khi thuê mặt bằng, nếu thấy mặt bằng đẹp vẫn chưa biết cách thương lượng giá thuê sao cho hợp lý. Khi đó tôi đã đặt cọc 1 lúc 3 mặt bằng nên dẫn tới việc mất rất nhiều tiền đặt cọc ngay từ ban đầu khiến vốn bị hao hụt nhanh", nữ CEO cho biết.
Do không có kinh nghiệm quản lý và vận hành nên chị đã phải đóng cửa 3 mặt bằng đắt đỏ, tiền vốn âm, vừa làm vừa trả nợ chỉ sau 3 năm.
Khởi nghiệp là ở trong trạng thái sẵn sàng bị "chửi"
Vấn đề về vốn kinh doanh là điều nhiều người quan tâm, Quyên tiết lộ, khi khởi nghiệp ở công ty đầu tiên, ba mẹ cho vay 3 tỷ đồng để kinh doanh. Trong 7 năm, Quyên phải liên tục lấy thu bù chi để xoay xở trong nguồn vốn như vậy. Điều duy nhất ba mẹ giúp chị trong thời điểm khó khăn là chuyển điểm bán về chỗ của ba mẹ để đỡ chi phí mặt bằng.
Đến khi khởi nghiệp với BLUSaigon, ba mẹ Xuân Quyên cho 4 tỷ đồng, nhưng tất cả không phải là tiền mặt mà trong đó có nhiều thứ bao gồm cả công sức nhân sự có kinh nghiệm, máy móc, nguyên vật liệu, và R&D (nghiên cứu và phát triển).
"Khi bắt đầu khởi nghiệp tôi không có nhiều vốn. Số vốn 4 tỷ đồng thực chất hết hơn 3/4 vào trong máy móc, thiết bị, R&D để ra sản phẩm nên với số tiền mặt ít ỏi mới khởi nghiệp, tôi phải suy nghĩ nát óc để có thể vừa chi cho marketing, nhân sự vận hành, chiến lược, và mở showroom đầu tiên", Xuân Quyên nhớ lại.
Nữ CEO tự tay tham gia vào hầu hết các công việc từ thiết kế bao bì đến kiểu dáng bút đến chiến lược, hầu hết Quyên học được từ đọc sách và Google.
"Thú thật nhiều khi cũng muốn được đăng ký dịch vụ tư vấn bài bản chiến lược nhưng khi hỏi kinh phí thì rất cao, gần 100 triệu đồng, rồi thiết kế bao bì cũng 20-23 triệu đồng/thiết kế, hay chạy chiến dịch chiến dịch marketing qua người ảnh hưởng thì các bên agency báo kinh phí lên đến 300 triệu đồng- 1 tỷ đồng. Tính tới lui thì kinh phí không đủ nên cũng tự học tự làm", nữ CEO nói.
Về nguyên liệu làm bút, Quyên không gặp khó khăn vì đó là thế mạnh 25 năm của gia đình. Mảng bút cũng mới nên nguồn nguyên liệu chỉ chiếm 5% sẵn có.
Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, Quyên cũng nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè. Quyên luôn chuẩn bị tâm lý ở trong trạng thái sẵn sàng bị "chửi" và vẫn phải giữ vững lập trường, không được lay chuyển.
"Khi ông ngoại tôi còn sống, tôi luôn bị mắng rằng sao không làm công việc cũ lương cao tốt hơn? Sao ra khởi nghiệp chi khổ vậy? Rồi gia đình tôi cũng hay hỏi rằng khởi nghiệp bận vậy có ra tiền không. Mỗi lúc như vậy tôi đều cố gắng cười và nói cố gắng hết sức sẽ ra thôi", Tôn Nữ Xuân Quyên cho hay.
Theo Quyên, đã số bạn bè và những người xung quanh đều mặc định "khởi nghiệp" là chắc chắn sẽ giàu hay có tiền mà ít ai biết rằng khi khởi nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, tiền bạc đầu tư hàng tháng chi ra ban đầu bao nhiêu trên thực tế các startup lại hay "tự ái" không chia sẻ.
"Thường ít ai chia sẻ câu chuyện startup. Không lẽ chia sẻ với người khác "đang kinh doanh ế ẩm" trong khi CEO là mình chịu trách nhiệm về sales cho công ty? Thế nên thường startup chọn cách cô đơn chiến đấu cho đến khi thành công. Lúc ấy sẽ có thời gian hơn và tự tin hơn", nữ CEO cho hay.
Chế tạo bút bi giá tiền triệu cho giới thượng lưu, doanh thu chỉ vỏn vẹn... 20 triệu đồng/tháng
Hiện tại BLUSaigon có 5 dòng bút với nhiều loại mực khác nhau từ cao cấp tới bình dân, mỗi một dòng sẽ có những tên gọi riêng theo các vị thần, những điều tốt đẹp, thịnh vượng.
Khi người khác nhìn vào những chiếc bút của thương hiệu nổi tiếng, sẽ cho rằng thị trường rất khó làm, nhưng với Quyên, khởi nghiệp càng nhiều thì lại càng có tâm lý thích đương đầu làm những điều khó. Theo Quyên, "khó người khó ta", khi khách hàng thấy những sản phẩm khó mà mình làm được thì sản phẩm đó sẽ càng được nhiều người trân trọng.
"Về vấn đề khó khăn thì ai khởi nghiệp cũng sẵn sàng tâm lý đối đầu với thất bại, nhưng may mắn là tôi có ba là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành chế tạo máy, đào tạo quy trình, nghệ nhân và mối quan hệ đối tác mạnh nên đây cũng được coi là thế mạnh", Quyên chia sẻ.
"Với sản phẩm đặc thù và mất nhiều thời gian thực hiện nên tôi sẽ chỉ sản xuất dựa trên đơn đặt hàng của khách hàng. Khởi điểm là 10 chiếc bút với giá dưới 1 triệu đồng/bút được khách đặt, doanh thu chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng/tháng.
Với tôn chỉ của công ty là thủ công và máy móc sẽ được kết hợp với nhau để tạo ra được sản phẩm hoàn hảo nhất, thời gian hoàn thành từ 24 -72h. Đối với những sản phẩm khó thì có thể lên tới 5 ngày. Tuy nhiên, hiện tại BLUSaigon thực hiện chiến lược chia sẻ để nhân rộng nên các công đoạn được chia nhỏ để 30 người có thể phụ trách 30 công đoạn.
Sản xuất các dòng sản phẩm có mức giá khá cao nhưng Quyên khẳng định rằng đối tượng khách hàng được hướng tới đó là mua để sử dụng, thể hiện đẳng cấp cho bản thân. Đối tượng thứ 2 là mua làm quà tặng, tặng sếp, làm quà kỷ niệm nên vẫn có khách hàng lựa chọn sản phẩm.
Sau khi BluSaigon lên sóng Shark Tank, doanh số đã tăng 13 lần, hiện tại mỗi chiếc bút giá dao động từ 1,5 - 20 triệu đồng nhưng vẫn có khách đặt, thậm chí có khách còn mạnh tay bỏ ra 50 triệu để đặt 1 chiếc bút theo sở thích riêng cá nhân.
"Trong tương lai tôi hướng tới câu chuyện của Việt Nam và quốc tế, sắp tới tôi sẽ cho ra đời 2 loại bút đó là bút Tả Thanh Thiên thể hiện ý nghĩa "Viết lên trời xanh" như đã hứa với Shark Việt tại Shark Tank và dòng bút 18 đời Vua Hùng với 18 chiếc bút độc bản", CEO BLUSaigon khẳng định.
http://tintuc.vdong.vn/05/1356905.htmHương Nguyễn
Theo Nhịp Sống Kinh Tế