vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗi lo kinh tế phủ bóng bầu cử Úc

2022-05-22 03:08

Người dân Úc đi bỏ phiếu trong ngày 21-5 để bầu ra chính phủ và thủ tướng mới theo sau chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần xoay quanh vấn đề lạm phát, biến đổi khí hậu và nỗi lo Trung Quốc có thể thiết lập tiền đồn quân sự cách bờ biển Úc chưa đầy 2.000 km. Theo hãng tin Reuters, gần 6 triệu trong tổng số 17 triệu cử tri đã bỏ phiếu qua bưu điện hoặc đến phòng phiếu sớm.

Bước vào cuộc bầu cử Úc lần này, 2 đối thủ chính là liên minh đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và Công Đảng đang tìm cách trở lại nắm quyền sau 9 năm ở vị thế đối lập. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Công Đảng dẫn trước nhưng khoảng cách dần thu hẹp trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

Nỗi lo kinh tế phủ bóng bầu cử Úc - Ảnh 1.

Thủ tướng Úc Scott Morrison (phải) và lãnh đạo đối lập Anthony Albanese tại một cuộc tranh luận ở TP Sydney hôm 8-5. Ảnh: Reuters

Bất kỳ bên nào giành được ít nhất 76 ghế trong tổng số 151 ghế ở hạ viện sẽ được quyền thành lập chính phủ. Nhà lãnh đạo của đảng hoặc liên đảng cầm quyền sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Úc.

Nếu kịch bản này không xảy ra, các đảng lớn sẽ phải thỏa thuận và liên minh với các đảng nhỏ hơn hoặc tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ độc lập nhằm bảo đảm có đủ số ghế cần thiết.

Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison thuộc liên minh đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đặt mục tiêu tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ 3 năm sau khi ngăn chặn thành công sự lây lan của Covid-19 trong năm đầu bùng dịch. Đối thủ hàng đầu của ông Morrison là lãnh đạo Công Đảng Anthony Albanese.

Giới phân tích nhận định người chiến thắng trong cuộc đua sít sao này sẽ phải đối mặt một loạt vấn đề nóng như chi phí sinh hoạt leo thang và chi phí vay tăng sau khi nước này tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

Ông Zareh Ghazarian, chuyên gia tại Trường ĐH Monash (Úc), nhấn mạnh chính phủ mới sẽ phải tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế, như lạm phát, sức ép lên chi phí sinh hoạt... cũng như các tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Lạm phát ở Úc trong tháng 4-2022 đã đạt mức cao nhất trong 20 năm, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát leo thang đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Úc tăng lãi suất lên mức cao hơn dự báo của các nhà phân tích.

Ngoài ra, chính phủ mới còn phải đối mặt với thách thức về mối quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Căng thẳng gia tăng khiến Trung Quốc trừng phạt một loạt mặt hàng của Úc. Ông Stewart Jackson, chuyên gia tại Trường ĐH Sydney (Úc), nhận định cuộc đối đầu này không phải là một diễn biến tích cực bởi kinh tế đất nước sẽ chịu thêm thiệt hại nếu Bắc Kinh ngày càng quay lưng với các sản phẩm Úc.

Không gì lạ khi, theo ông Ghazarian, chiến dịch vận động tranh cử của Công Đảng đã tập trung chỉ trích chính phủ ông Morrison vì điều mà họ xem là "quản lý kém nền kinh tế".

Phe đối lập cũng cho rằng chính sách đối ngoại của Úc vừa trải qua thất bại tồi tệ ở Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc và quần đảo Solomon gần đây xác nhận đã hoàn tất hiệp ước an ninh song phương.

Xem thêm: nhc.71161628012502202-cu-uc-uab-gnob-uhp-et-hnik-ol-ion/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗi lo kinh tế phủ bóng bầu cử Úc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools