Tiếp cận với những kiến nghị của nhà văn Nguyễn Phúc Lai, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hưng Yên, sau đó thêm nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà văn Lê Văn Ba, đều là người quê gốc Hưng Yên, đã cùng lên tiếng về dự án "Khu văn hóa du lịch và dịch vụ TDTT Chử Đồng Tử và dự án sân golf Sông Hồng" có nguy cơ phá hủy, xâm phạm di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tôi thật sự hốt hoảng, lo lắng, vì nhiều căn nguyên:
Thứ nhất là dự án này nằm ngay bên bờ sông Hồng. Trong bối cảnh chúng ta đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch một đại dự án đoạn sông Hồng đi qua Hà Nội hướng tới tương lai. Đây là một vùng đất của những trầm tích lịch sử, của dấu ấn văn hóa Việt, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa, qua bao nhiêu thời gian, qua bao nhiêu biến động, đến nay, càng khẳng định giá trị, dứt khoát phải được bảo tồn và phát huy cho tương lai.
Có thể nhận thấy quy hoạch sân golf Sông Hồng (bôi đỏ) đã chiếm phần lớn không gian bao quanh khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ảnh: Thanh Thắng
Di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung thuộc vào hàng di tích lịch sử và văn hóa đặc biệt của quốc gia, là nơi khởi nguồn một huyền thoại liên quan đến tín ngưỡng tâm linh "Tứ bất tử" của dân tộc ta. Việc dự án sân golf này có khả năng gây ra những tác động tiêu cực đến khu di tích tầm cỡ như thế sẽ là một sai lầm mà nếu không kịp thời ngăn chặn thì chúng ta không thể sửa chữa và phục hồi được.
Thứ hai, như ý kiến các nhà văn đã phản ánh, dự án này, ngoài việc thể hiện tình trạng quy hoạch đè lên quy hoạch, dự án chồng lên dự án, vi phạm Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch, còn có nhiều biểu hiện vi phạm các nguyên tắc thuộc loại "đại cấm kỵ" trong xây dựng và kinh doanh sân golf.
Tại nghị định 52/2020 của Chính phủ, có quy định: Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf là: Đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cũng trong nghị định này, còn quy định: "Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hoá".
So với những quy định mang tính chất nguyên tắc rất cơ bản này thì dự án đã vi phạm rõ ràng!
Di tích lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên. Ảnh: Thanh Thắng
Thứ ba, về địa điểm xây dựng sân golf. Dự án này đã không đáp ứng được yêu cầu tại Nghị định 52, quy định về địa điểm đặt sân golf là phải: "Phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo".
Theo tính toán, trung bình một sân golf 18 lỗ (như dự án này) mỗi tháng phải dùng tới 150.000 mét khối nước, một hecta sân golf mỗi năm phải sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất trừ nấm, trừ sâu, diệt cỏ dại... Nước trên sân golf, sau quy trình sử dụng, sẽ chất chứa đầy các loại hóa chất độc hại với môi trường, một phần lớn sẽ ngấm vào lòng đất và chảy xuống sông Hồng. Trong bối cảnh sông Hồng đang ở mức bị ô nhiễm đáng báo động như hiện nay, thì đây sẽ là nhát dao chí tử cuối cùng giết chết luôn.
Thứ tư là vấn đề Hà Nội và vùng lân cận có cần thiết phải thêm ngay sân golf nữa hay không. Hiện nay, từ trung tâm Hà Nội ra đến khu vực ngoại vi, đã có đến cả chục sân golf, đều thuộc loại cao cấp, như: Sân golf Hà Nội, Sân golf Long Biên, Vân Trì, Đầm Vạc, Ecopark, Tam Đảo, Sóc Sơn... Rồi Kings’ Island Golf, Golf Legend Hill, Golf Asean Golf 24h... Việc mở ra một sân golf mới đã thực sự cần thiết chưa và hiệu quả đến đâu là vấn đề rất cần phải xem xét thấu đáo.
Hơn nữa, vùng đất đang nhằm đến của dự án hiện nay là vùng phù sa màu mỡ, tấc đất tấc vàng, không còn lũ sông Hồng thất thường nữa, hoàn toàn có thể trở thành vùng đất chuyên canh trồng rau, trồng hoa và cây ăn quả, cây cảnh, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho hàng nghìn hộ nông dân. Rồi từ đó mà nghĩ đến việc xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với đón khách tham quan, du lịch, tạo ra những giá trị thương mại mới...
Thứ năm là vấn đề cơ hội dành cho tương lai. Dự án này thuộc tỉnh Hưng Yên, nhưng chỉ cách trung tâm Hà Nội 25 km. Cũng trong bối cảnh tư duy mới của việc sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng cho trước mắt và trong tương lai lâu dài sau này, không nên dành tới gần 90 ha đất vàng (sau khi đã điều chỉnh) cho một dự án không thật nhiều ý nghĩa về văn hóa, xã hội và lợi nhuận kinh tế như thế này mà hãy dành lại như một cơ hội chờ đợi để được dầu tư xứng tầm, có nhiều ý nghĩa xứng đáng hơn.
Tóm lại, hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội và lân cận hiện nay không cần và phải kiên quyết không để xuất hiện thêm một sân golf nào nữa.
Kiến nghị của các nhà văn quê ở Hưng Yên đã nhận được sự ủng hộ đồng tình rất lớn của các đồng nghiệp. Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn thư báo cáo với Thủ tướng. Ngày 25/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thư phản hồi gửi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội, đã khẳng định thái độ kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hi sinh các giá trị văn hóa, lịch sử và cho biết ông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét cẩn trọng và kỹ càng kiến nghị nói trên của các nhà văn.
Theo Nguyễn Thành Phong
Nhà đầu tư
Xem thêm: nhc.43595959112502202-aun-flog-nas-nac-gnohk-gnoh-gnos/nv.zibefac