Hai lô đất mà hai doanh nghiệp đã trúng đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đến thời điểm này vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng cam kết. Theo các chuyên gia kinh tế điều đó có nghĩa là có thể sẽ mất một thời gian dài nữa, 2 lô đất mới có thể được triển khai thành dự án, vừa gây lãng phí tài nguyên đất, vừa mất đi chi phí cơ hội về việc làm về tạo ra của cải vật chất cho xã hội khi mà hàng chục nghìn mét vuông đất vẫn nằm yên đó chưa biết đến bao giờ.
Các chuyên gia cho biết, thực tế trên đang để lại hệ lụy xấu với thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh vì các doanh nghiệp bỏ giá cao đã đẩy giá đất ở khu vực Thủ Thiêm nói riêng, TP Hồ Chí Minh nói chung lên cao. Mặt khác còn làm ảnh hưởng chính sách pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản, các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính sẽ lợi dụng những kẽ hở này để thao túng thị trường bất động sản.
"Họ có thể bán tài sản rồi và có thể đã cao chạy xa bay. Chưa kể nhiều người đang phải mua với mức giá rất cao. Nhiều nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính, phải đi vay thì không cầm cự được lâu, nhất là trong bối cảnh lạm phát Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất và khi tăng lãi suất chi phí tài chính sẽ tăng lên. Nếu ngân hàng siết nợ sẽ dẫn đến tình trạng sụp đổ bong bóng giá tài sản, dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng", Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright nhận định.
Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) được đấu giá. Ảnh: NLĐ.
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Thanh Đạm - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay: "Trong đấu giá chưa chặt chẽ, người ta chỉ quy định tiền cọc trước thời điểm tham gia đấu giá là 5 - 20%, bỏ qua đánh giá năng lực tài chính. Đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá ở đây là đánh giá báo cáo tài chính 3 năm gần nhất để xem sức khỏe tài chính của doanh nghiệp như thế nào. Thứ hai là đánh giá năng lực tài chính đó phải được bảo lãnh bởi 1 đơn vị, tổ chức tín dụng để khi trúng đấu giá thực hiện dự án thì có cơ sở nào".
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng tham gia bỏ thầu ảo, TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế quy định rõ về quyền phát triển dự án rồi mới cùng các tiêu chí khác để làm điều kiện để được tham gia đấu giá đất để phát triển dự án.
Như vậy, Nhà nước sẽ thu được cả tiền đấu giá phát triển dự án và tiền đấu giá đất. Các nhà đầu tư phải có năng lực, mong muốn phát triển dự án rồi mới mua đất, chứ không phải mua đất rồi sang tay chuyển nhượng.
VTV.vn - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị các địa phương tập trung chấn chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.87200039112502202-nas-gnod-tab-uaht-uad-aig-maht-0-naohk-iat/et-hnik/nv.vtv