Sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV theo hình thức trực tuyến.
Một trong những nội dung chính của buổi tiếp xúc cử tri là việc hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, phát huy vai trò trung tâm của TP. Cần Thơ tại ĐBSCL, một cực tăng trưởng của cả nước.
Đồng thời, cần phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng để Thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng. Cũng như là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Cần Thơ và các bộ ngành liên quan nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ, Cà Mau.
Bên cạnh đó, đầu tư một số cảng lớn, phát triển các khu công nghiệp, trong đó đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.
Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các đối tác quốc tế về triển khai một số dự án này. Thủ tướng lưu ý, điều quan trọng là phải làm có trọng tâm, trọng điểm và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, vì càng kéo dài càng lãng phí.
Đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ
Về dự án đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Theo báo cáo tiền khả thi dự án, tuyến đường sắt TP.HCM – TP. Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Tuyến đường sắt này đi qua 6 tỉnh/thành, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.
Tại địa phận TP. Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Hướng tuyến dự kiến đi giữa trục đường 1A thuộc khu công nghiệp Hưng Phú 1, đi qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Ở đoạn này, đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ nhằm tránh giao cắt với quốc lộ và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.
Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi 1.435 mm, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Tốc độ thiết kế cho tuyến TP.HCM – Cần Thơ vào khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Như vậy, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì mất từ 3 - 4 giờ đi đường bộ như hiện nay.
Cuối tháng 3/2022, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. TP.HCM cho biết, sau nhiều lần họp bàn, đại diện các tỉnh/thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất là rút ngắn tuyến còn gần 135 km với 9 ga, đi theo hành lang bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Theo UBND TP.HCM, việc điều chỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay của TP.HCM và các tỉnh khác.
Nguyễn Thắm
Nhịp sống kinh doanh
Xem thêm: nhc.88634058022502202-oht-nac-mchpt-neyut-dsu-yt-7-cot-oac-tas-gnoud-gnud-yax-uuc-neihgn/nv.zibefac