Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đến cuối tháng 4 vừa qua, mức lãi suất huy động trung bình của hệ thống các ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng tăng 0,14 điểm % so với cuối năm 2021, lên 4,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng chỉ tăng 0,11 điểm %, lên 5,66%/năm.
Với những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, mức tăng trung bình cũng chỉ khoảng 0,23 điểm % cho các khoản tiền gửi 6 tháng. Tuy nhiên, một vài ngân hàng cũng đưa ra mức lãi tăng cao hơn, từ 0,3 - 0,8 điểm%, chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Chính việc tăng lãi suất cũng thu hút một lượng tiền gửi lớn từ dân cư quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Dòng tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng
Việc tăng lãi suất đã thu hút một lượng tiền gửi lớn từ dân cư quay trở lại hệ thống ngân hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Việc tiền gửi cư dân tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm là điều hiếm gặp, bởi đây là giai đoạn người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán và đầu tư cho cả năm. Doanh số huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh, có ngân hàng tăng gấp đôi kế hoạch đề ra.
"Mình dịch chuyển dần dòng tiền quay lại ngân hàng, vì đây đều là tiền tiết kiệm của mình và gia đình nên không muốn mạo hiểm", chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ.
"Mức lãi suất hiện nay mình đang gửi tại ngân hàng là 6%. Mình cũng kỳ vọng thời gian tới lãi suất sẽ cao hơn. Tuy nhiên hiện tại mức lãi suất này đã đáp ứng nhu cầu của mình", chị Nguyễn Quỳnh Minh Anh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng với 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 159.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021 Ngoài ra tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng cao gần 60.000 tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.
"Đảm bảo khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, việc tăng trưởng nguồn vốn của ngân hàng không chỉ phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng, mà còn phản ánh các tiện ích của dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, thu hút dòng tiền vào hệ thống", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Theo ghi nhận, một số ngân hàng đang áp dụng các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngân hàng tìm cách giảm chi phí lãi vay
Nhờ đẩy mạnh hoạt động số hóa, ngân hàng VPBank đã thu hút một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA), hiện đã chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng, tăng gần gấp đôi sau khoảng hơn 2 năm. Tiền gửi không kỳ hạn thường có lãi suất thấp, chỉ khoảng 0,2%/năm, do đó sẽ là yếu tố quan trọng giúp NH giảm giá vốn đầu vào.
Ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn nhất hệ thống lên tới trên 50%, nghĩa là cứ 1 đồng vốn huy động vào, lại có 1 đồng vốn tính lãi không kỳ hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tiết giảm các loại chi phí hoạt động khác và cân đối lãi huy động để đảm bảo có mức lãi vay hợp lý.
Nhiều ngân hàng cũng khẳng định, nếu tăng lãi suất cho vay họ sẽ gặp khó trong cạnh tranh, bởi doanh nghiệp sẽ lựa chọn nơi có lãi thấp để vay vốn. Do đó, các ngân hàng sẽ phải đảm bảo tính cạnh tranh khi tính lãi suất cho vay.
Xu hướng lãi suất trong nửa cuối năm
Một số công ty chứng khoán nhận định mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm trong năm nay khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.
"Từ nay đến cuối năm, kỳ vọng lạm phát ở mức 3,8 - 4%, tôi cho rằng mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng lớn kỳ hạn dài sẽ tăng khoảng 0,5%, còn lãi suất cho vay sẽ tăng ở mức thấp hơn 0,2 - 0,3% thì ảnh hưởng đến NIM của các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có biện pháp để cải thiện NIM như cải thiện hệ số cho vay, hoặc huy động qua trái phiếu, hoặc thị trường liên ngân hàng", ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KBSV, cho hay.
Mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Ngân hàng Nhà nước còn có các công cụ khác, chẳng hạn như hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng đang được kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát dòng vốn đi vào nền kinh tế, vào từng lĩnh vực theo ưu tiên của Chính phủ. Do vậy, tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể giữ được ổn định lãi suất", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên phong, nhận định.
"Hiện nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn có thể thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động tín dụng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nên phân bổ chỉ tiêu tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng đã được đánh giá, xem xét. Quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng không ảnh hưởng tới khả năng chi trả, huy động vốn của các tổ chức tín dụng nên khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay là an toàn", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đánh giá.
Lãi suất huy động tăng nhưng chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, còn ở khối ngân hàng quốc doanh chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, mặt bằng lãi suất vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Lãi suất huy động tăng cho thấy điều gì? Lý do lãi suất tăng chủ yếu là gì? Các ngân hàng đang làm gì để ổn định lãi suất cho vay? Xu hướng lãi suất trong nửa cuối năm được dự báo như thế nào?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong phần Tiêu điểm Dòng chảy tài chính (22/5) với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người đã 20 năm nghiên cứu về chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Mời quý vị theo dõi video trên!
VTV.vn - Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 30 - 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng nhằm hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.19270138022502202-gnah-nagn-oav-yahc-ta-o-iug-neit-gnat-gnod-yuh-taus-ial/et-hnik/nv.vtv