Vướng giải phóng mặt bằng hay vì năng lực nhà thầu kém?
Những ngày cuối tháng 5/2022, dọc theo công trường đường Vành đai phía Tây Tp.Đà Nẵng, mọi thứ vẫn còn quá ngổn ngang. Theo công bố, dự án này do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư điều hành dự án.
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, qua địa bàn huyện Hòa Vang, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2020. Công trình do liên danh nhà thầu Cienco1 - Tổng Công ty Trường Sơn đảm nhận thi công.
Con đường này có chiều dài hơn 19km và đáng lẽ phải hoàn thành từ rất lâu. Vậy vì sao tuyến đường trọng điểm này mãi ì ạch?
Theo ghi nhận thực tế của PV Người Đưa Tin, dọc theo tuyến đường hiện vẫn còn hàng chục đoạn chưa thể thi công do còn vướng giải tỏa đền bù. Thống kê mới nhất, còn 28 hộ dân chưa tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối..., tại điểm giao với QL14B còn vướng nhiều hộ dân.
Tại buổi kiểm tra thực tế dự án mới đây, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ không phải do vướng mặt bằng, bởi nhiều đoạn đã có mặt bằng sạch nhưng nhà thầu không huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công.
UBND huyện Hòa Vang cam kết vận động và hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa, cây cối trước ngày 30/5 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vấn đề còn lại là năng lực thi công của các nhà thầu.
Trong khi đó, trả lời Người Đưa Tin, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, dự án đã kết thúc thời gian thực hiện hợp đồng thi công xây dựng từ ngày 1/1 vừa qua.
Tuy nhiên, giá trị thực hiện chỉ mới ước đạt 70% so với giá trị hợp đồng. Ngày 9/5, UBND Tp.Đà Nẵng đã có Công văn số 2484/UBND-SKHĐT chấp thuận gia hạn tiến độ thi công đến ngày 30/9/2022 (đối với phạm vi không vướng mặt bằng).
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, việc chậm trễ tiến độ thi công trong thời gian vừa qua có cả nguyên nhân khách quan là vướng giải phóng mặt bằng lẫn dịch bệnh Covid-19 và nguyên nhân chủ quan là do năng lực nhà thầu.
Đi tìm lời giải?
Nói về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan giải phóng mặt bằng để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trên thực địa đối với các vị trí còn chưa bàn giao, trong đó ưu tiên các vị trí bàn giao mặt bằng để thông tuyến.
Cũng theo Ban này, đơn vị sẽ yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc, tăng ca thi công, tăng cường thi công ban đêm nếu điều kiện kỹ thuật cho phép. Nhà thầu phải có phương án xây dựng đường công vụ phù hợp thực tế để thuận lợi cho việc tổ chức thi công tại các đoạn đã có mặt bằng theo phương châm “bàn giao mặt bằng đến đâu, tập trung thi công đến đó”.
Ban sẽ yêu cầu nhà thầu khẩn trương thay thế các tổ đội thi công tại các phân đoạn, vị trí đã có mặt bằng nhưng triển khai thi công chậm trễ. Đối với các trường hợp tiến độ công trình chậm trễ do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu, Ban đã và sẽ kiên quyết xử lý phạt hợp đồng theo quy định.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cũng cho biết sẽ phối hợp các đơn vị chức năng chuyên ngành để thực hiện rà soát hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công để thực hiện các biện pháp điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vừa rút ngắn tiến độ thi công.
Cùng với nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, cấp thẩm quyền để cho phép sử dụng mạng lưới đường địa phương để vận chuyển đất điều phối, vật liệu thi công ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ thi công.
"Trảm" nhà thầu yếu kém?
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng: Trường hợp xảy ra việc chậm trễ thi công do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu nhưng không thể khắc phục hoặc chậm khắc phục, Ban sẽ xem xét báo cáo UBND Tp.Đà Nẵng chấm dứt hợp đồng, thay thế nhà thầu khác để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.