vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếp cận kinh tế với Mỹ nhiều thay đổi sau 27 năm

2022-05-23 15:20

Gặp các doanh nghiệp, chuyên gia Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Chính phủ Việt Nam tập trung nhiều đến các lĩnh vực năng lượng, kinh tế số, tài chính.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) chiều 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là 3 lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Trong chuyến công du tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên này. Với lĩnh vực công nghệ cao, ông đã gặp các doanh nghiệp như Intel, Apple, Google; ở ngành tài chính là những tổ chức, quỹ như Deutsche Bank, Goldman Sachs, Kohlberg Kravis Roberts, Visa, Warburg Pincus; còn với lĩnh vực năng lượng là các tập đoàn Blackstone, GenX, AES...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam thăm trụ sở Google chiều 17/5. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam thăm trụ sở Google chiều 17/5. Ảnh: VGP

"Dự định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là huy động các nguồn lực tài chính, công nghệ từ các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao để giúp kinh tế Việt Nam phục hồi", TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) bình luận.

Trong khi đó, TS Trần Toàn Thắng thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đánh giá, chuyến đi của Thủ tướng đang giúp Việt Nam tìm những cơ hội mới để thay đổi cơ cấu về thương mại.

"Việt Nam đang cần thu hút những luồng đầu tư mang tính công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính hoặc các vấn đề khác ngoài nông thuỷ sản, dệt may hay gỗ", ông nói. Những mặt hàng truyền thống, vốn là ưu điểm của Việt Nam, đang dần đứng trước những cảnh báo lớn về thâm hụt xuất nhập khẩu với Mỹ.

Kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995, kim ngạch thương mại Việt – Mỹ đã tăng 248 lần sau 27 năm.

Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ 1995 - 2021. Đồ hoạ: Phương Vũ - Tiến Thành

Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ 1995 - 2021. Đồ hoạ: Phương Vũ - Tiến Thành

Dữ liệu của trang OEC cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Mỹ. Nếu ở những năm đầu tiên làm ăn, đơn cử mốc 1995, đa phần Việt Nam xuất khẩu nhóm nông sản (giá trị cà phê xuất đi là 140 triệu USD trên tổng số 194 triệu USD hàng xuất khẩu), thuỷ sản (khoảng 19,62 triệu USD), dệt may (khoảng 18,3 triệu USD)... thì đến 2020, hàng hoá hàng hoá chính được xuất đi là thiết bị phát sóng (14,3 tỷ USD), đồ nội thất (5,37 tỷ USD), thiết bị bán dẫn (3,12 tỷ USD).

Các mặt hàng nhập khẩu ở Mỹ cũng thay đổi, từ phân bón, phương tiện giao thông, máy móc nay trọng tâm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như vi mạch, bông, thức ăn gia súc.

Việt Nam, từ một nước nổi lên nhờ thành công của các hàng hoá thâm dụng lao động, đang dần gây được tiếng vang với ngành sản xuất điện tử, công nghệ cao hơn, thu hút được các khoản đầu tư lớn từ Samsung, Intel... Từ 4-5 năm trước, khi căng thẳng Mỹ - Trung nổ ra, điều này càng được thể hiện rõ ràng hơn.

Đến nay, Việt Nam được đánh giá đã tận dụng được lợi thế của mình trong cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường. Wall Street Journal dẫn tính toán của công ty Kearney cho biết, năm 2021, hàng hoá từ Việt Nam xuất sang Mỹ đã tăng 50 tỷ USD so với 2018 – thời điểm cuộc chiến nổ ra. Cùng khoảng thời gian đó, hàng hoá của Trung Quốc xuất sang Mỹ ít hơn 50 tỷ USD.

Moody’s Analytics cũng cho biết, 46% hàng của Việt Nam đưa sang Mỹ là máy móc, tăng gấp ba lần về tỷ lệ phần trăm so với trước căng thẳng thương mại. Hàng dệt may có tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và phát biểu tại trụ sở Intel. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và phát biểu tại trụ sở Intel. Ảnh: Dương Giang

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Hiệp, Việt Nam nay đã là một trung tâm sản xuất lớn bên ngoài Trung Quốc. Các tập đoàn công nghệ trong các năm qua đã tích cực đa dạng hoá chuỗi cung ứng để tránh rủi ro từ những xung đột này cũng như phụ thuộc quá lớn vào nơi vốn được xem là công xưởng thế giới. Trên thực tế, Samsung, Apple cùng nhiều tập đoàn khác đã thiết lập các cơ sở sản xuất, lắp ráp lớn tại Việt Nam những năm qua.

Mặt khác, Việt Nam cũng có hai năm kinh tế chống chịu tốt hơn hầu hết quốc gia trên thế giới trong Covid-19. Năm 2020 và năm 2021, bất chấp khó khăn, Việt Nam vẫn có tăng trưởng kinh tế, ở mức 2,91% và 2,58%. Lạm phát đến nay dù được đánh giá có nhiều rủi ro, hiện vẫn trong tầm kiểm soát của nhà điều hành. Việt Nam vẫn được xem là điểm đến an toàn, thu hút dòng vốn FDI toàn cầu.

"Do vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng lên, vị thế chính trị, đòn bẩy trong đàm phán nhờ vậy cũng được nâng cao", ông Hiệp nói.

Ở chiều ngược lại, phía Mỹ cũng đang muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam ở những khía cạnh mới, bên cạnh những mối làm ăn truyền thống. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Việt – Mỹ tổ chức ở Hà Nội tháng 3, bà Marisa Lago, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ, từng nói rằng y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ là 3 lĩnh vực được ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong 2022.

Theo đó, trong buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ vừa qua, đặc phái viên của Tổng thống nước này về khí hậu John Kerry cho biết, nhiều doanh nghiệp Mỹ và toàn cầu sẵn sàng tham gia nỗ lực chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Ngoài ra, kinh tế số cũng được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng cho hợp tác hai nước tới đây.

"Lợi thế giữa Việt Nam và Mỹ trong mảng này là bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh trực tiếp, không tạo ra sự đối đầu", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông IPS, bình luận với VnExpress. Doanh nghiệp Mỹ mạnh về nền tảng (ví dụ mạng xã hội, hạ tầng dữ liệu...), trong khi doanh nghiệp Việt mạnh phát triển ứng dụng trên các nền đó.

Điều này khác với những mặt hàng truyền thống như nông sản, sản xuất công nghiệp có thể vấp phải những vụ kiện về vi phạm chống bán phá giá, nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ ảnh hưởng đến công nhân, người lao động Mỹ tại một số ngành nghề nhất định. Giai đoạn vừa qua, việc thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Mỹ tăng gấp ba lần lên 90 tỷ USD đã trở thành một vấn đề được hai bên quan tâm, tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách.

"Việt Nam được hưởng lợi từ công nghệ, thị trường Mỹ và ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn kéo gần Việt Nam đến Silicon Valley", ông Đồng nói. Theo đó, thị trường Việt Nam chắc chắn là nơi nhiều tiềm năng, cơ hội với người Mỹ trong những mảng thương mại, dịch vụ mới, thay vì chỉ là những hàng hoá truyền thống, giản đơn như những ngày đầu làm ăn.

Phương Ánh

Xem thêm: lmth.2366644-man-72-uas-iod-yaht-ueihn-ym-iov-et-hnik-nac-peit/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiếp cận kinh tế với Mỹ nhiều thay đổi sau 27 năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools