Giá lúa mì tăng lên mức kỷ lục trong 2 tháng qua ở Nga, Kazakhstan, Ấn Độ - Ảnh: WORLD NEW PLATFORM
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lúa mì trên thế giới đã tăng hơn 60%. Trả lời báo Izvestia của Nga, các chuyên gia cho biết giá lúa mì tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine, hai quốc gia cung cấp gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu.
Trong niên vụ 2021-2022 bắt đầu vào tháng 7-2021, các nhà cung cấp Nga chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và các nhà sản xuất Ukraine chiếm 10%.
Do xung đột, cả hai nước đều hạn chế xuất khẩu lúa mì. Vào tháng 2-2022, Nga đã hạn chế xuất khẩu tất cả các loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô) bên ngoài Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) cho đến ngày 30-6. Trong khi đó, cảng duy nhất còn lại ở Odessa của Ukraine đã đóng cửa.
Theo Đài Russia Today, các biện pháp trừng phạt chống Nga buộc các công ty quốc tế phải cắt đứt quan hệ kinh doanh lâu năm và rời khỏi Nga, điều này khiến nguồn cung bị gián đoạn.
EU gần đây đã cấm hợp tác với cảng thương mại Biển Đen Novorossiysk, trong khi hơn một nửa lượng ngũ cốc xuất khẩu được vận chuyển qua cảng này.
Hơn nữa, sau quyết định hạn chế xuất khẩu của Matxcơva, Kazakhstan cũng tuân theo các hạn chế của riêng mình. Đầu tháng 5, Ấn Độ cũng ngưng xuất khẩu lúa mì.
Cuộc khủng hoảng ngũ cốc đang diễn ra trên toàn cầu, nhưng nghiêm trọng nhất là ở châu Phi, nơi phụ thuộc vào xuất khẩu từ khu vực Biển Đen cho 90% nhu cầu của mình. Tháng trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cảnh báo 1/5 nhân loại có nguy cơ đói do tình hình căng thẳng trên thị trường lúa mì hiện nay.
Các quốc gia phương Tây đã cáo buộc Nga khơi mào một "cuộc chiến tranh lúa mì", đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hiện tại cho Matxcơva.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định Nga không phải là nước duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lúa mì ngày càng trầm trọng. Nếu có thì Nga cũng không phải là nước tự gây ra cuộc chiến lương thực này.
Nga không cấm xuất khẩu nhưng đưa ra các mức thuế và hạn ngạch tạm thời để bảo vệ thị trường nội địa.
Đối với Ukraine, ngũ cốc của nước này đang được tích cực đưa ra khỏi kho lưu trữ dưới sự trợ giúp của EU. Nhà ngoại giao hàng đầu của khối, ông Josep Borrell gần đây đã tuyên bố Ukraine cần được giúp đỡ để tiếp tục sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc và lúa mì.
Dẫn lời các chuyên gia, báo Izvestia lưu ý rằng Nga và Ukraine không phải là nhà xuất khẩu lúa mì chủ chốt duy nhất trên toàn cầu.
Các nhà sản xuất khác có thể cứu thị trường thế giới khỏi cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như Mỹ và Canada, các nước xuất khẩu lần lượt 26 và 25 triệu tấn lúa mì mỗi năm, tương đương khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Các nhà sản xuất lúa mì lớn khác của phương Tây là Pháp (19 triệu tấn) và Đức (9,2 triệu tấn).
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhà sản xuất lúa mì lớn trên thế giới khó có thể chia sẻ ngũ cốc với những quốc gia có nhu cầu, bởi họ cũng sẽ phải ưu tiên an ninh lương thực của chính quốc gia mình.
TTO - Giá lúa mì tăng cao kỷ lục trong giao dịch ngày 16-5 tại châu Âu, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này do một đợt nắng nóng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sản lượng.
Xem thêm: mth.67705430132502202-ar-neid-pas-uac-naot-im-aul-hnart-neihc/nv.ertiout