“Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi với trung tâm là con người", Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh - Ảnh: HÀ QUÂN
Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Những cuộc khủng hoảng toàn cầu như tăng lạm phát (giá lương thực, năng lượng), gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bất ổn tài chính, nguy cơ vỡ nợ có tác động qua lại với nhau, đồng nghĩa với việc thị trường lao động toàn cầu sẽ chịu nhiều tác động hơn trong những tháng tới của năm 2022.
Theo báo cáo của ILO, số giờ làm việc toàn cầu trong quý 1-2022 giảm hơn 3,8% so với quý 4-2019, tương đương 112 triệu việc làm toàn thời gian. Các nước thu nhập cao ghi nhận sự phục hồi về số giờ làm việc trong quý 1-2022, trong khi các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn lại đối mặt với nhiều trở ngại.
Tổng số giờ làm việc tại các nước này thấp hơn mức tiền khủng hoảng lần lượt là 3,6% và 5,7%. Dự báo tới quý 2-2022, xu hướng này còn trở nên xấu đi.
Ở một số nước đang phát triển, các chính phủ ngày càng gặp khó khăn do thiếu dư địa chi tiêu ngân sách và thách thức của các khoản nợ, trong khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với bất ổn kinh tế, tài chính, còn người lao động không được tiếp cận đầy đủ các chế độ an sinh xã hội.
Tổ chức Lao động quốc tế cho hay năm 2021, khoảng 3/5 số người lao động làm việc ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn mức họ kiếm được ở quý 4-2019. Phụ nữ làm các công việc tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
ILO lưu ý nhu cầu tuyển dụng tăng vọt ở các nền kinh tế phát triển tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt khi cầu vượt cung.
Tuy vậy, cơ quan này nhận định không có bằng chứng chắc chắn cho thấy thị trường lao động đang phát triển "quá nóng", bởi số lao động thất nghiệp hoặc không được tận dụng vẫn ở mức cao.
Trước thực tế trên, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động qua lại dẫn tới công cuộc phục hồi thị trường lao động không đồng đều và mong manh hơn trước, thậm chí là ghi nhận sự đảo chiều.
Do đó, ILO khuyến nghị các chính phủ cần khẩn trương tổ chức đối thoại để điều chỉnh tiền lương phù hợp, nhất là tiền lương tối thiểu, an ninh lương thực; điều chỉnh chính sách vĩ mô một cách thận trọng để giải quyết sức ép liên quan đến lạm phát, tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới; trợ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bằng các chính sách dài hạn…
TTO - Ngày 28-4, bà Ingrid Christensen, giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, có phát biểu ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.