vĐồng tin tức tài chính 365

Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Những thủ đoạn gây phẫn nộ

2022-05-24 14:29

Bị hăm dọa giết con, gán tội hiếp dâm…

Cuối tháng 3.2022, anh Lê Nguyễn (30 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, H.Cái Nước, Cà Mau) phải cầu cứu đến Công an H.Cái Nước (Cà Mau) vì bị đòi nợ, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội.

Theo đó, khoảng 10 giờ 11 ngày 29.3, một tài khoản Facebook đã chia sẻ thông tin với nội dung: “Truy tìm con nợ bỏ trốn tên Lê Nguyễn, SN 1992... nếu không gọi lại giải quyết nợ 100 triệu, chúng tôi sẽ xử lý theo nghiệp vụ đòi nợ thuê, con nợ bỏ trốn, gia đình và bạn bè sẽ gánh thay”.

Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Những thủ đoạn gây phẫn nộ - ảnh 1

Nhóm đòi nợ “khủng bố” anh Lê Nguyễn trên mạng xã hội

Gia Bách

Thậm chí, những kẻ “khủng bố” đòi nợ còn nhắn tin vào số máy điện thoại của anh Lê Nguyễn hăm dọa “nếu không trả, chiều nay cho mày tội hiếp dâm trẻ em, mua bán ma túy”. Ngoài ra, chủ tài khoản có tên Hoàng Sơn còn đe dọa sẽ chặt chân người này nếu không trả khoản nợ trên.

Anh Lê Nguyễn cho rằng mình không vay khoản tiền nào như thông tin mà tài khoản Facebook đăng tải. “Thông tin sai sự thật trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân tôi. Tôi rất lo cho sự an toàn của bản thân và người thân trong gia đình, bởi lời hăm dọa của họ quá ghê sợ”, anh lo ngại.

Một cô giáo vay tiền qua app, cả trường lẫn phụ huynh bị khủng bố

Ngày 23.5, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cầu cứu Báo Thanh Niên lên tiếng về việc bà và gia đình bị kẻ đòi nợ vô cớ liên tục “khủng bố”. Bọn chúng lộng hành đến mức có 4 “giang hồ” tìm đến tận nhà rồi xông vào nhà làm tổn thương mẹ già 80 tuổi của bà Diễm phải nhập viện cấp cứu; dọa giết con nhỏ của bà Diễm khiến bé không dám đến trường...

Theo trình bày của bà Diễm, những kẻ đòi nợ “khủng bố” bà để ép bà trả nợ số tiền 390 triệu đồng mà những kẻ này cho rằng chồng cũ của bà nợ. Trong khi đó, vợ chồng bà đã thuận tình ly hôn từ năm 2016; và trong quyết định công nhận thuận tình ly hôn của bà với chồng thì không có nợ chung, tài sản chung.

Một trường hợp khác cũng có đơn phản ánh đến Báo Thanh Niên là bà N.T.P, chủ doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang. Bà P. cũng bị các đối tượng đòi nợ thuê liên tục đe dọa, dàn dựng rồi phát tán trên các nền tảng mạng xã hội hình ảnh, thông tin bịa đặt bà lừa đảo, quỵt tiền… Theo bà P., sự việc xuất phát từ việc một công nhân làm việc trong doanh nghiệp của bà vay tiền trên app (phần mềm ứng dụng trên môi trường internet). Mặc dù công nhân này có trả nhiều lần, tổng cộng gấp gần 10 lần tiền nợ gốc, nhưng vẫn bị đòi nợ mãi nên công nhân này không đồng ý trả nữa. Từ đó, nhiều đối tượng “giang hồ” đã gọi điện, nhắn tin khủng bố đòi nợ bà P. khiến bà rất bức xúc.

Vừa qua tại Bình Thuận, anh P.D.C.P, giám đốc một cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận khá bức xúc khi một buổi sáng anh bị “khủng bố” tới mấy chục cuộc điện thoại không rõ ai gọi tới. Ban đầu họ gọi tới nói nhân viên kế toán của anh P. có vay 3 triệu đồng của họ nhưng đến nay chưa trả, họ yêu cầu anh P. phải trả thay. Khi anh P. không cầm máy các cuộc gọi lạ, thì chỉ một lát sau thông tin hình ảnh, gia đình anh bị đưa lên mạng xã hội với lời tuyên bố “ông này lừa đảo, vay 100 triệu không trả giờ trốn rồi mọi người ơi”.

Ngay sau đó, anh P. có làm việc với nhân viên của mình xem có vay mượn tiền của ai mà chưa trả cho họ hay không, thì nhân viên của anh cho biết hoàn toàn không vay mượn của ai cả. Để chắc chắn hơn, anh P. còn đề nghị nhân viên của mình hỏi kỹ xem người nhà có vay mượn tiền của các công ty cho vay siêu nhanh hay không, nhưng đều không có ai vay mượn gì cả. Sau đó, anh P. đã chuyển hết những số điện thoại gọi quấy nhiễu anh và các tài khoản hăm dọa anh cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả điều tra vẫn đang chậm chạp và chưa phát hiện ra kẻ nào làm việc này.

Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Những thủ đoạn gây phẫn nộ - ảnh 2

Tin nhắn hăm dọa “cho” tội hiếp dâm với anh Lê Nguyễn

NVCC

n

Có yếu tố hình sự là khởi tố điều tra

Hơn 2 tuần nay, hàng chục giáo viên tại một trường mẫu giáo ở xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất, Đồng Nai) phẫn nộ vì bị một số người khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình ảnh lên mạng xã hội vu khống, bêu riếu, xúc phạm danh dự. Nguyên nhân xuất phát từ việc một cô giáo trong trường vay tiền qua app nhưng chưa trả nợ.

Giáo viên N.T.N (nạn nhân) cho biết dù mình và gia đình không vay mượn ai nhưng cũng bị réo tên trên mạng xã hội. Ngoài việc bêu riếu, xúc phạm, hình ảnh các con của giáo viên N.T.N cũng bị bêu riếu trên mạng để khủng bố tinh thần nên gia đình rất bức xúc. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài giáo viên trong trường, các em học sinh cũng bị những kẻ đòi nợ nhắm tới để quấy rối, gây áp lực. Cụ thể, một học sinh đang theo học tại trường đã bị lấy hình ảnh ghép vào… bảng cáo phó và đăng lên mạng xã hội.

Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo nhà trường xác nhận có sự việc trên và nguyên nhân xuất phát từ việc một cô giáo trong trường vay tiền qua app online. Nhà trường cũng đã trình báo cơ quan chức năng và đề nghị công an sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh những đối tượng này để trả lại danh dự cho các thầy cô giáo, an toàn cho các em học sinh.

Về vụ việc này, trung tá Nguyễn Văn Lý, Trưởng công an xã Gia Tân 1, cho biết đã nhận được trình báo của nhà trường và đang tiến hành xác minh, xử lý. Nếu có yếu tố hình sự thì sẽ đề nghị xử lý hình sự để răn đe cho các trường hợp khác. Trung tá Lý cũng khuyến cáo tất cả mọi người cần nêu cao cảnh giác, nếu có nhu cầu vay vốn thì đến các ngân hàng để được tư vấn rõ ràng, tránh bị sập bẫy của các nhóm cho vay tiền qua app online.

Công an tỉnh Cà Mau vào cuộc điều tra

Trước việc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Cái Nước (H.Cái Nước, Cà Mau) bị nhóm đòi nợ kiểu khủng bố đến mức điện thoại của BV bị tê liệt, rồi cắt ghép hình ảnh, tung thông tin cá nhân lên mạng xã hội vu khống, bêu riếu, xúc phạm… mà Báo Thanh Niên phản ánh, ngày 23.5 đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp công an các huyện và các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc đòi nợ này.

Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Những thủ đoạn gây phẫn nộ - ảnh 3

Hình ảnh cán bộ, nhân viên Bệnh viện đa khoa Cái Nước (Cà Mau) bị nhóm đòi nợ “khủng bố” trên mạng xã hội

Gia Bách

Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Xuân Duyên, Phó giám đốc BVĐK Cái Nước, cho hay sau khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh thì Công an H.Cái Nước cho mời những nạn nhân của vụ đòi nợ kiểu khủng bố đến cơ quan làm việc.

“Ngày 22 và 23.5, tôi và những nhân viên của mình bị bêu riếu đều được Công an H.Cái Nước mời làm việc xung quanh nội dung báo phản ánh”, bác sĩ Duyên cũng cho biết sau khi báo phản ánh thì nhóm người đòi nợ không gọi điện quấy rầy nữa. Và khi làm việc với công an, tất cả cán bộ, công nhân viên của BV đều khẳng định là mình không vay tiền.

Bị đòi vạ là báo ngay công an

Đại tá Phạm Thành Sỹ khuyến cáo người dân cân nhắc khi vay tiền qua các ứng dụng tài chính được quảng cáo trên mạng xã hội. Thực tế đã có rất nhiều nạn nhân khi vay qua hình thức này bị rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải bán nhà trả nợ. Khi bị đe dọa, quấy rối yêu cầu trả nợ, người dân có thể trình báo công an gần nhất, hoặc gửi đơn đến cơ quan công an để tố cáo, nhờ can thiệp.

Đại tá Phạm Thành Sỹ cũng thừa nhận thời gian qua, không riêng gì Cà Mau, mà khắp cả nước xuất hiện thủ đoạn đăng tải thông tin tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội; gọi điện cho người thân, đến cơ quan tổ chức của người vay nợ để tác động đòi nợ.

“Họ cho vay rất dễ, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân và 10 số điện thoại là được vay. Khi người vay không trả được, thì họ sẽ gọi đến 10 số điện thoại mà người vay cung cấp để gây áp lực đòi nợ”, đại tá Phạm Thành Sỹ nói. (còn tiếp)

Xem thêm: lmth.3371641tsop-on-nahp-yag-naod-uht-gnuhn-hnah-gnol-ob-gnuhk-ueik-on-iod/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:Pháp luật vay

“Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Những thủ đoạn gây phẫn nộ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools