Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị sán lá gan lớn. Theo hướng dẫn này, thói quen và tập quán ăn uống là một trong những nguyên nhân gây nhiễm bệnh.
Người bệnh sán lá gan được xác định là do ăn các loại rau thủy sinh như rau muống, rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong... hoặc uống nước chưa hợp vệ sinh.
Ăn cải xoong sống rất dễ nhiễm ký sinh trùng. ẢNH: HẠ QUYÊN |
PGS - TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, rau sống cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng đề kháng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, nếu rau sống không đảm bảo vệ sinh như tưới bón phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích không đúng quy định... thì món ăn này lại mang theo mầm bệnh. Khi ăn phải rau sống không đảm bảo, người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, mắc bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính. Bên cạnh đó, những loại rau sống như rau mùi, xà lách... thường nhiễm các loại giun, sán. Do đó, những người thường ăn rau sống sẽ có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Trước đó, trong một kết quả nghiên cứu từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, ở tám mẫu rau sống thường dùng như xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau đắng, rau cải cúc, rau má, rau thơm gia vị (húng, tía tô, húng quế,...) đã cho thấy tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3%-100%. Kể cả sau ba lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9%-82,6%.
Có những loại rau bị nhiễm ký sinh trùng 100% như rau xà lách xoong, cải xanh, rau cải cúc, rau má. Số còn lại như xà lách, rau muống, rau gia vị cũng bị nhiễm ký sinh trùng 92,3%.
Các rau trên được rửa ba lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường rồi được làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy mức độ nhiễm ký sinh trùng nói chung vẫn còn cao, không giảm được bao nhiêu. Sau lần rửa thứ nhất, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn tới 97%, sau lần rửa thứ hai còn 77,9% và sau lần rửa thứ ba còn 51,9%.
Các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim có trên tất cả các loại rau với tỉ lệ rất cao, nhiều nhất là trên xà lách xoong (100%), thấp nhất trên rau muống (46,1%). Ký sinh trùng amip, dạng bào nang có trong hầu hết các loại rau, nhiều nhất là trên xà lách xoong và rau má với tỉ lệ 76,5%, trứng giun đũa chó trên bảy loại rau (chỉ trừ rau muống) với tỉ lệ trung bình 11,5%.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng rau sống. Trong trường hợp muốn ăn, chúng ta nên rửa rau trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy sạch nhiều lần. "Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng thuốc trừ sâu vẫn còn bám trên rau. Sau đó ngâm nước muối hoặc dùng thiết bị sát trùng"- PGS -TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Ngoài ra, theo PGS Thịnh, người dân nên chọn mua rau sống tại các cửa hàng rau sạch có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng để bữa ăn đảm bảo hơn.