Nhà thơ Giang Nam (ngồi bàn đầu, đầu tiên bên phải) tại Hội báo xuân Nhâm Dần 2022 tỉnh Khánh Hòa vào ngày 26-1-2022 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Chiều 25-5, giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thanh Hà cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho trình bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.
Nhà thơ Giang Nam là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như: Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam… Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ nhất, cách đây 21 năm (vào năm 2001) và đã được tặng giải nhì về thơ tạp chí Văn Nghệ năm 1961 (bài thơ Quê hương); Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ (tập thơ Quê hương).
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa có nêu "nhà thơ Giang Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học của đất nước. Trong quá trình hoạt động, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc, có ảnh hưởng lớn đối với người dân Khánh Hòa và cả nước, đóng góp vào sự thành công chung của nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam… Nguyện vọng của các văn nghệ sĩ và nhân dân trong tỉnh mong muốn được Nhà nước quan tâm, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam khi ông còn sống".
Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhà thơ Giang Nam tuổi đã cao (94 tuổi), sức khỏe yếu, không thể đợi đến kỳ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tiếp theo vào năm 2025. UBND tỉnh được biết năm 2011 đã có trường hợp Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện bổ sung quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Việc đề nghị đặc cách xét tặng giải thưởng kể trên cho nhà thơ Giang Nam là xuất phát từ kiến nghị của văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa cách nay đã gần nửa năm.
Tại buổi gặp mặt chúc Tết các văn nghệ sĩ tiêu biểu dịp xuân Nhâm Dần của lãnh đạo tỉnh, vào ngày 13-1, nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Tùng (đạo diễn nhiều phim tài liệu nổi tiếng như: Người lính xe tăng 390 ngày ấy; Chuyện thật trưa 30-4-1975…) đã trực tiếp kiến nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.
Vào ngày 18-1, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa cũng đã có công văn gởi Thường trực UBND tỉnh, kiến nghị xem xét về việc đề nghị tặng giải thưởng như đã nêu cho nhà thơ Giang Nam.
Những tác phẩm đề nghị trình bổ sung xét tặng giải thưởng cho nhà thơ Giang Nam
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, tham gia cách mạng từ năm 1945, nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam kiêm tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải Phóng và ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định (1963); nguyên ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 và 3, tổng biên tập báo Văn Nghệ (1978-1980), trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) và nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989-1993).
Cùng với những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam đã được trình để xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Thủ tưởng Chính phủ cho trình bổ sung nhiều tác phẩm khác của nhà thơ Giang Nam để xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông như sau:
- Những người thợ đá (tập truyện ngắn - 1960, tác giả: Giang Nam và những người khác; Nhà xuất bản Lao Động, xuất bản năm 1960).
- Đất nước vào xuân (tập thơ về cuộc tổng tiến công và nổi dậy; tác giả: Giang Nam, Lê Anh Xuân. Thu Bồn…; Nhà xuất bản Giải Phóng, 1968).
- Người giồng tre (ký và truyện ngắn, tác giả Giang Nam, Nhà xuất bản Giải Phóng, 1969).
- Vầng sáng phía chân trời (thơ, tác giả Giang Nam, Nhà xuất bản Văn Học Giải Phóng, 1975).
- Rút từ sổ tay chiến tranh (tập truyện ngắn, tác giả Giang Nam, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM, 1987).