Tính đến tháng 6/2021, Việt Nam có 6,5 triệu thẻ tín dụng, trong khi chúng ta có đến gần 100 triệu dân. Con số này trong thời gian tới sẽ tăng nhanh khi những chiếc thẻ tín dụng hiện đã bắt đầu "bình dân hóa" hơn.
Vậy như thế nào là thẻ tín dụng "bình dân"? Đầu tiên, thẻ tín dụng phải làm được việc "mua trước - trả sau". Còn "bình dân" là hầu hết các đối tượng đều có thể đăng ký, những người có thể chưa tiếp cận được các dịch vụ của ngân hàng hoặc chưa đủ điều kiện mở thẻ tín dụng truyền thống.
Bình dân cũng đi kèm với nhanh. Nếu với thẻ tín dụng truyền thống, khách hàng phải mất từ 5 - 7 ngày để xét duyệt hồ sơ, thì với thẻ bình dân, quá trình này chỉ tốn khoảng 3 phút.
Thẻ tín dụng được phát hành từ năm 2001, nhưng độ phát triển chưa cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Chỉ vài phút là có thẻ online và vài ngày là có thẻ vật lý, thời gian mở thẻ "siêu tốc" là lý do khiến chị Phương Anh (TP Hà Nội) quyết định mở thẻ tín dụng theo hình thức này.
"Mình mở rất nhanh, từ 3 - 5 phút. Quy trình rất đơn giản. Mình chỉ cần thao tác trên điện thoại. Cần chụp ảnh CMND và xác thực gương mặt", chị Phạm Phương Anh, TP Hà Nội, chia sẻ.
Các đơn vị hợp tác phát hành thẻ cho biết, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và máy học (Machine Learning) sẽ giúp chấm điểm tín dụng cho người đăng ký. Điều này sẽ giúp thẻ tín dụng "bình dân" tiếp cận được với số đông, đặc biệt là những người chưa đáp ứng được các điều kiện để mở thẻ ở các tổ chức tín dụng khác.
Như trường hợp của chị Huệ Minh (TP Hà Nội), vì trước đây chủ yếu học tập và sinh sống ở nước ngoài nên chưa có lịch sử tín dụng tại Việt Nam, việc đăng ký mở thẻ là khá khó khăn.
"Ở nước ngoài em sử dụng thẻ tín dụng rất nhiều nên khi về Việt Nam gặp khó trong việc mở thẻ, em thấy rất bất cập", chị Đặng Vũ Huệ Minh, TP Hà Nội, cho biết.
Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, thẻ tín dụng đã được phát hành từ năm 2001, nhưng độ phát triển chưa cao, số lượng còn kém xa so với thẻ ghi nợ.
Tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng. Con số này so với dân số gần 100 triệu dân còn quá nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng chính là "mảnh đất màu mỡ", còn nhiều dư địa để phát triển, các doanh nghiệp có thể nhảy vào.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Mibrand chỉ ra rằng, mức độ sử dụng thẻ tín dụng của người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2021 là khoảng 46%. Số lượng người đang có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khoảng 34%.
Với việc "bình dân hóa", nới lỏng các điều kiện mở thẻ, lượng người tiêu dùng sử dụng thẻ "mua trước - trả sau" chắc chắn sẽ tăng nhanh trong tương lai gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41674145152502202-gnud-nit-eht-aoh-nad-hnib/et-hnik/nv.vtv