Kế hoạch được đề cập trong một dự luật vừa được Bộ Kinh tế Đức công bố. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, than nâu, hoặc than non có thể được gia hạn hoạt động thay vì đóng cửa. Nếu được thông qua, các cơ sở này sẽ được đưa vào diện dự phòng đến 31/3/2024.
"Điều này đồng nghĩa các nhà máy nhiệt điện than có thể vận hành ngắn hạn theo yêu cầu, nếu có nhu cầu phát sinh", dự luật cho biết. Phương án này vẫn cần sự chấp thuận của nội các Thủ tướng Olaf Scholz.
Bộ Kinh tế Đức cho biết khí đốt tự nhiên - phần lớn đến từ Nga - chiếm 15% sản lượng điện của nước này năm 2021. Tỷ trọng dự kiến giảm trong năm nay do chi phí khí đốt tăng cao và khủng hoảng Ukraine.
Đức dựa vào nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào, giá cả phải chăng từ Nga để thay thế cho than đá, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải carbon so với mức thập niên 90.
Tuy nhiên, kể từ chiến sự nổ ra ở Ukraine, Berlin đã tìm cách thay đổi việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Đầu tháng này, Quốc hội Đức thông qua đạo luật mở đường cho việc xây dựng 4 cảng tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở bờ biển phía bắc. Trong đó, 2 cảng dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Đức cũng đã giảm tỷ lệ khí đốt mua của Nga từ 55% đầu năm xuống còn 35%. Phần lớn khí đốt của Nga đến nước này chảy qua đường ống Nord Stream dưới biển Baltic. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này cảnh báo việc cắt giảm khí đốt từ Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế Đức.
Năm 2020, chính phủ tiền nhiệm của Đức quyết định chi 44,5 tỷ USD để loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2038. Tuy nhiên, chính phủ mới của Thủ tướng Olaf Scholz đã rút ngắn thời hạn xuống 2030 và nhấn mạnh việc mở rộng năng lượng tái tạo.
Các nỗ lực xây dựng thêm tuabin gió và trang trại điện mặt trời cũng bị đình trệ dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Năm ngoái, trong bối cảnh giá khí đốt cao, nhiệt điện đã tăng tỷ trọng gần 5%, chiếm khoảng 30% sản lượng điện của Đức.
Phiên An (theo NYT)