Như đã đưa tin, Công an TP Hà Nội vừa phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an triệt phá một đường dây chuyên cho vay qua app với quy mô cực lớn.
Để vay tiền, người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc thẻ CCCD, thế chấp bằng danh bạ điện thoại. Khi người vay chậm trả, các nghi phạm sẽ “khủng bố tinh thần” người vay và những người trong danh bạ điện thoại bằng việc liên tục nhắn tin, gọi điện gây áp lực.
Công an triệt phá đường dây cho vay qua app với quy mô cực khủng. Ảnh: UYÊN TRANG |
Một trong những mắt xích quan trọng của đường dây là Nguyễn Quang Vũ, 35 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội. Vũ được trả lương hơn 40 triệu đồng/tháng, có nhiệm vụ vận hành các hoạt động cho vay và thu hồi nợ.
Theo lời khai của Vũ, để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, nhóm nghi phạm thành lập công ty cầm đồ, lập các app cho vay “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”.
Tính đến nay, số lượng khách hàng vay qua hệ thống ba app này lên tới gần 1 triệu người. Trung bình mỗi tháng, số tiền giải ngân cho vay khoảng 100 tỉ đồng.
Để có lượng khách vay dồi dào, các nghi phạm chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Khách vay được coi là uy tín thường là những người có công việc cố định, danh bạ điện thoại bao gồm những người cũng có thông tin cá nhân rõ ràng.
Tham gia đường dây có hai nhóm nhân viên, một là làm tại bộ phận kế toán, nhân sự, phát triển thị trường. Hai là làm tại bộ phận truy thu nợ, thường gồm những người có tiền án tiền sự, nhân thân xấu hoặc có kinh nghiệm trong đòi nợ thuê.
Nhóm truy thu nợ được phân cấp từ M0 đến M3, tương ứng với mức độ chậm trả của khách vay. Hình thức đòi nợ diễn ra theo kiểu “muốn làm gì thì làm”, miễn làm sao thu được tiền về và sẽ có thưởng dựa trên doanh thu.
Vì vậy, nhóm truy thu nợ sẽ tìm đủ thủ đoạn để gây sức ép với “con nợ”. Điển hình là việc liên tục nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, “khủng bố tinh thần” từ người vay đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại.
Thậm chí, các nghi phạm còn cắt ghép ảnh của khách hàng và bạn bè, người thân của họ, tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo áp lực.
Nhiều người dù không trực tiếp vay tiền, nhưng vì áp lực nên phải thúc giục người vay, hoặc đứng ra trả nợ giúp để được “yên thân”.
Sau thời gian lên kế hoạch triệt phá, nhiều tổ công tác công an đồng loạt khám xét bảy cơ sở của đường dây cho vay nêu trên tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, qua đó xác định gần 300 nghi phạm, đồng thời thu giữ nhiều tang vật liên quan.