Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25-5, các chuyên gia nhận định việc thị trường giảm mạnh vừa qua chỉ là diễn biến ngắn hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, những giải pháp chấn chỉnh trên thị trường được kỳ vọng sớm đem lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Tăng trưởng nóng, hấp dẫn khối ngoại
Chỉ trong khoảng 2 năm, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường liên tục lập kỷ lục. Từ khoảng 2,3 triệu tài khoản vào năm 2019 đã tăng lên 4,3 triệu tài khoản vào năm 2021, số lượng tài khoản tăng thêm bằng cả 20 năm qua. Chỉ số VN-Index cũng trong xu hướng tăng cao khi thị trường đạt khoảng 1.000 điểm vào năm 2019 - giai đoạn nền kinh tế thịnh vượng - và đạt hơn 1.500 điểm vào tháng 3-2022.
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, những số liệu trên phản ánh tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2 năm qua là "tăng trưởng nóng", không bình thường. Đáng nói, trong khoảng 2 triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0), hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân, nhiều người chưa đủ thông tin. "Có nhà đầu tư chỉ tham gia với "3 chữ cái" (mã chứng khoán - PV) mà không rành doanh nghiệp (DN) hoạt động ở lĩnh vực gì, ra sao...? Họ đầu tư theo cảm xúc và theo đám đông, không dựa trên cơ sở có phân tích, có đánh giá. Khi thị trường nóng thì họ đổ xô vào mua, đến lúc thị trường rung lắc lại bán mạnh, tạo sự chao đảo, thể hiện tính chất không chuyên nghiệp. Hệ thống thể chế, khung khổ pháp luật cũng bộc lộ những điểm yếu, lỗ hổng dẫn tới việc lũng đoạn thị trường của một số nhà đầu tư lớn, cần phải sớm sửa đổi, hoàn thiện" - GS-TS Hoàng Văn Cường chỉ ra.
Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư ngoại, bà Nguyễn Hoài Thu - Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán đại chúng và trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital - cho hay đa số nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn, mục tiêu đầu tư dài hạn. Họ lạc quan, tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của thị trường chứng khoán Việt với yếu tố hấp dẫn đến từ nền kinh tế đã và đang tăng trưởng cao, ổn định. Cụ thể, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng khoảng 6,8%/năm trong 10 năm. Sau dịch, dự báo kinh tế tăng trưởng 6,5%/năm trong nhiều năm tới. Sự phát triển kinh tế diễn ra trong bối cảnh ổn định lãi suất, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại dương, dự trữ ngoại hối tốt, lợi nhuận của DN niêm yết trong dịch rất hấp dẫn so với khu vực và thị trường khác và dự báo tăng trưởng 15%-20% trong những năm tới...
"Tính từ đầu tháng 4-2022, là thời điểm thị trường bắt đầu giảm, khối ngoại đã mua ròng 170 triệu USD, chứng tỏ họ đánh giá thị trường chứng khoán Việt lúc này đang rẻ. Hiện hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) của thị trường đang hấp dẫn - ở vùng 10,6 lần, thấp hơn trung bình 5 năm. Bloomberg dự báo mức lợi nhuận DN Việt tăng trưởng 18%-19% thì thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn" - bà Hoài Thu nói.
Dưới góc độ vĩ mô, các chuyên gia thừa nhận vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế thời gian qua đã được khẳng định, khi vốn hóa thị trường hiện gần 93% GDP, tương đương nhiều nước trong khu vực. Việc huy động vốn qua thị trường này rất quan trọng, nhất là đối với các DN đã niêm yết.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu chào mừng các diễn giả tham dự tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25-5. Ảnh: QUANG LIÊM
Bình tĩnh trước biến động ngắn hạn
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nêu quan điểm để tham gia thị trường, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn. "Tại Việt Nam, chứng khoán giảm sốc một phần do các chính sách lành mạnh hóa thị trường. Cách đây 2 năm, tôi đã dự báo chứng khoán nhờ dịch Covid-19 đi lên thế nào thì sau dịch sẽ đi xuống như thế đó. Nhà đầu tư cần có tầm nhìn 12 tháng để tham gia, còn ngắn quá khi thị trường sập sẽ hoảng loạn" - ông Lê Quang Minh nói và kiến nghị nhà nước quản lý thông tin chặt chẽ hơn, tránh tin đồn làm ảnh hưởng thị trường.
Phân tích về nguyên nhân của đợt sụt giảm mạnh gần đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng đây là chu kỳ của thị trường. Từ năm 2013 đến nay là chu kỳ lạm phát dưới 5% và cứ 2 năm tăng nóng thì sẽ có 1 năm sụt giảm cả về chỉ số và thanh khoản. Tính chu kỳ đang lập lại trên thị trường vào năm 2022. Đại diện Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam còn chỉ rõ thực trạng của thị trường chứng khoán Việt Nam là giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới 90% tổng giá trị giao dịch trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay và cần có giải pháp giảm thiểu tình trạng này trong ngắn hạn và trung hạn.
"Phải đánh giá lại chất lượng hàng hóa niêm yết. Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 220 tỉ USD vốn hóa và có 1.700 mã trên cả 3 sàn. Chất lượng hàng hóa thật sự đang đi theo số lượng hơn là chất lượng, ảnh hưởng rất mạnh đối việc nâng hạng thị trường. Do đó, cần nâng chất lượng thị trường để nâng hạng lên thị trường mới nổi" - ông Nguyễn Thế Minh đề xuất.
Đồng quan điểm về việc cần kiểm soát được chất lượng niêm yết trên thị trường chứng khoán, PGS-TS Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh thị trường có chất lượng thì nhà đầu tư mới tin tưởng. Ông góp ý phải kiểm soát cả việc tăng vốn ảo vì có những công ty trên sàn có dấu hiệu "in giấy" ra bán và cần thiết phải ngăn chặn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, đánh giá với dòng tiền yếu như hiện nay, việc đầu tư không dễ dàng như năm ngoái. Nhà đầu tư nên có tỉ trọng tiền mặt cao và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo ông Khánh, trong bối cảnh này, quản trị rủi ro là yếu tố rất quan trọng nên nhà đầu tư cần trau dồi kiến thức quản trị rủi ro và danh mục đầu tư. Khi đó, bất kể thị trường xấu hay tốt, nhà đầu tư vẫn có thể tồn tại và "sống" được với kênh đầu tư chứng khoán.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, không chỉ nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức mới bị thua lỗ mà tới 80% nhà đầu tư có chuyên môn hay quỹ đầu tư với đội ngũ chuyên gia phân tích bài bản vẫn bị thua trong giai đoạn này. Để thị trường phát triển ổn định, không chỉ chờ các giải pháp mới mà cần thực thi và giữ vững các luật lệ, quy định của thị trường. "Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng phải bị xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Thị trường sẽ phục hồi như nó cần phải có tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế và các DN sản xuất, kinh doanh tốt" - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng đã đến lúc cần có quy định rõ ràng hơn về những hành vi thao túng thị trường để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. "Vấn đề lớn nhất là cần lành mạnh hóa thị trường. Việc này nằm ở thông tin trên thị trường, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá… Những thông tin này có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu. Hậu quả không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, phải kiểm soát, minh bạch hóa thị trường - ông Ánh nói.
Tạo sân chơi bình đẳng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ tái cấu trúc, minh bạch, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện cơ quan quản lý nhà nước đang có những động thái rất tích cực trong việc xử lý sai phạm. Thị trường có thể xuống 1.100 điểm, thậm chí 1.000 điểm nhưng trong tương lai sẽ phát triển tích cực để có những DN niêm yết uy tín và lành mạnh.
Trong ngành ngân hàng, hiện có 90% ngân hàng thương mại niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả cả trong giai đoạn Covid-19 và hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch. "Thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần chấn chỉnh quyết liệt hơn, tạo thị trường minh bạch, rõ ràng, có sân chơi bình đẳng và cần những người "cầm trịch" dẫn dắt thị trường" - ông Nguyễn Quốc Hùng góp ý.
Xem thêm: mth.24660531252502202-man-teiv-naohk-gnuhc-gnah-gnan/et-hnik/nv.moc.dln