Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/5, giao dịch trên thị trường diễn ra vẫn theo chiều hướng tích cực, nới thêm đà tăng từ phiên 25/5.
Nhiều cổ phiếu lớn duy trì được đà tăng, từ đó giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, các mã như PLX, GAS, BID, VHM... đều tăng giá tốt. Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vẫn tương đối lớn khiến các chỉ số giằng co khi các mã như MSN, VJC, BCM, NVL, STB... đều chìm trong sắc đỏ.
Đến khoảng 11h sáng, đà tăng của VN-Index bị thu hẹp lại đáng kể do áp lực chốt lời gia tăng, chỉ số về mốc tham chiếu và bắt đầu giảm điểm. Thanh khoản thị trường cũng vẫn chưa được cải thiện. Thị trường giao dịch ảm đạm suốt phiên giao dịch.
Kết thúc phiên ngày 26/5, VN-Index tăng 0,14 điểm, tương ứng 0,01% lên 1.268,57 điểm. Toàn sàn có 252 mã tăng, 191 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,62 điểm, tương ứng 0,51% xuống 313,29 điểm. Toàn sàn có 100 mã tăng, 102 mã giảm và 51 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm, tương ứng 0,18% lên 94,95 điểm.
Nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo và đồng loại chạm mức giá sàn. Sau thông tin FLC, ROS, HAI sẽ bị cấm giao dịch phiên sáng và chỉ được giao dịch phiên chiều từ ⅙, nhiều nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo. Cả 3 doanh nghiệp này đều chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ nhóm FLC đã không còn gây ảnh hưởng nhiều như trước đây. Thị trường chung diễn biến ổn định dù thanh khoản vẫn chưa bứt phá do tâm lý e ngại của nhà đầu tư.
VHM là mã tác động tích cực nhất tới thị trường chứng khoán. Mã này tăng 1,1% với hơn 3 triệu cổ phiếu được sang nay. Cổ đông Vinhomes sắp tới cũng được nhận cổ tức 8.708 tỷ đồng tiền mặt, được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế lũy kế đến 31/12/2021. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/5/2022. Kế hoạch trả cổ tức 20% bằng tiền mặt như đã công bố trước đó, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu cho 4,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
HPG sau 2 phiên giảm điểm và tác động xấu tới thị trường đến hôm nay đã tăng điểm trở lại. Kết phiên mã này tăng 1,6% lên mức 35.000 đồng/cổ phiếu. Tại nhóm cổ phiếu thép, NKG tăng 1,1%, POM tăng 1,7%, HSG tăng 2,36%, TLH cũng tăng 2,08%...
Nhóm dầu khí có đại diện PLX góp mặt trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường khi tăng 2,78%. Một số mã khác nhau OIL, TOS, PTV… cũng tăng điểm song PVB, PVC, PVD, PVS… vẫn ghi nhận sắc đỏ và chưa bứt phá được lên mốc tham chiếu.
Tại nhóm ngân hàng, BID, AVB, TCB tăng điểm và tác động tích cực nhất đến thị trường. Tuy nhiên, nhiều mã khác sau 2 phiên tăng điểm đã quay đầu đi xuống dưới tham chiếu như VPB, HDB, CTG, MBB, OCB, SHB, TPB…
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, VDS, ORS tăng trần, SSI tăng 2,2%, VND tăng nhẹ 0,2%... Nhiều mã cổ phiếu thực phẩm chạm trần như NAF của Nafoods Group, LSS của Mía đường Lam Sơn, DBC của Dabaco… Nhóm cổ phiếu thủy sản tiếp đà bứt phá sau phiên tăng trần đồng loạt hôm qua, trong đó VHC, ANV, FMC tăng thêm 1%. Nhóm cổ phiếu sản xuất điện như REE tăng 4,5%, VSH tăng 3,3% hay TTA tăng thêm 4,4%...
Phiên ngày 26/5, MSN của Masan Group là mã có tác động xấu nhất lên thị trường khi rớt 1,7% thị giá về 108.600 đồng/cổ phiếu, NVL của Novaland mất 1,1% xuống 78.000 đồng/cổ phiếu…
Khối ngoại hôm nay bán ròng mạnh so với phiên 25/5, tương ứng 278 tỷ đồng. HPG tiếp tục là mã bị bán mạnh nhất với 103 tỷ đồng. VIC bị bán 65 tỷ đồng, DXG bị bán 57 tỷ đồng, VND bị bán 37 tỷ đồng, MSN bị bán 37 tỷ đồng… Một vài mã được mua là DGC 31,7 tỷ đồng, VCI 19 tỷ đồng, GMD 16 tỷ đồng, SSI 15 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường phiên 26/5 lại trở về mức thấp. Tổng giá trị giao dịch đạt 16.210 tỷ đồng. Giá trị giao dịch sàn HoSE chỉ đạt 13.700 tỷ đồng còn nhóm VN30 đạt chưa đến 5.000 tỷ đồng với 134 triệu cổ phiếu sang tay.