Global Times đưa tin cuộc họp trực tuyến bất ngờ này có sự tham dự của quan chức các tỉnh, thành phố và trung ương. Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng xuất hiện, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông thúc giục giới chức hành động để duy trì việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Nền kinh tế lớn nhì thế giới ghi nhận thiệt hại trong nhiều lĩnh vực kể từ khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát hồi tháng 3. Việc này khiến nhiều thành phố lớn phải công bố phong tỏa. Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, nhiều người không thể rời nhà hoặc khu vực đang sinh sống suốt 1,5 tháng.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết trên nhiều phương diện, tác động kinh tế trong tháng 3 và 4 còn vượt đợt phong tỏa đầu tiên năm 2020. Ông chỉ ra một vài số liệu, như tỷ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp và vận tải hàng hóa thấp.
Vài tuần gần đây, ông Lý ngày càng đề cập nhiều đến kinh tế đi xuống. Đầu tháng 5, ông gọi tình trạng hiện tại là "phức tạp và nghiêm trọng".
Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi các lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc họp hồi đầu tuần, công bố 33 chính sách kinh tế mới, trong đó có hoàn thuế, tăng cho vay doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ khẩn cấp cho ngành hàng không. Nằm trong 33 chính sách này là biện pháp nới lỏng phong tỏa, như cho phép xe tải đi vào vùng có nguy cơ thấp.
Tại cuộc họp hôm qua, ông Lý thúc giục các cơ quan chính phủ thực hiện 33 chính sách trên trong tháng này. Quốc hội Trung Quốc sẽ cử các nhóm giám sát xuống 12 tỉnh, bắt đầu từ hôm nay.
Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, biến chủng siêu lây nhiễm Omicron đã khiến họ phải phong tỏa 30 thành phố, tính đến hiện tại, ảnh hưởng đến 220 triệu dân trên cả nước. Cung và cầu của các doanh nghiệp cũng chịu tác động theo.
Dù một số thành phố đã mở cửa trở lại, tác động của việc này vẫn hiện hữu. Tỷ lệ thất nghiệp hiện lên cao nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động, như Tesla và Volkswagen. Airbnb thậm chí đã rút khỏi Trung Quốc.
Nhiều ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay của nước này. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay là 4,4%, thấp hơn so với 4,8% trước đó, do chính sách Zero Covid. Tốc độ này cũng thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chính thức là 5,5%.
Hà Thu (theo CNN)