Cách đây không lâu, văn phòng này dường như chỉ có thể xuất hiện trong những ý tưởng tương lai về thiết kế công sở - hoặc một bệnh viện. Tuy nhiên, tay nắm cửa không cần dùng bàn tay, bề mặt tự làm sạch, lớp sơn kháng vi sinh, thiết bị giám sát chất lượng không khí, robot khử khuẩn bằng tia UV và 135 biện pháp khác tại một tòa nhà văn phòng ở Bucharest, Romania sẽ còn được sử dụng lâu dài, theo lời những nhà thiết kế. Họ quảng cáo rằng đây là là một trong những công sở có khả năng kháng virus cao nhất thế giới và hy vọng nó sẽ trở thành chuẩn mực mới trong thiết kế văn phòng.
Bước vào H3 - một tòa nhà năm tầng ở khu vực phía tây thủ đô của Romania - cảm giác giống như học một điệu nhảy mới. Người bước vào toà nhà mở cửa bằng cách lắc nhẹ cổ tay và sau đó phải đứng ở vạch đỏ cách một camera đo thân nhiệt 2 mét để kiểm tra dấu hiệu sốt. Những ai được ‘bật đèn xanh’ sau đó có thể đi theo vạch chỉ dẫn đến thang máy tự làm sạch, bước vào 1 trong 2 chỗ để chân và được đưa đến các tầng khác nhau, yên tâm rằng mình được bảo vệ nhờ hệ thống khử khuẩn bằng tia UV được lắp đặt trong các ống thông gió.
Ngược lại, bất kỳ ai bị báo hiệu bằng đèn đỏ trên màn hình sẽ được dẫn đi bởi một hướng dẫn viên đeo găng plastic tới một phòng cách ly gần đó: một căn phòng thủy tinh với nút báo hiệu khẩn cấp và hệ thống thông gió riêng, biệt lập với phần còn lại của tòa nhà. Một thiết bị ‘diệt virus’ gắn trên tường được hứa hẹn sẽ loại bỏ bất kỳ tác nhân gây hại nào trong không khí, ví dụ như các chất gây ô nhiễm, nấm mốc và bào tử, với ba mức tốc độ gió và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV dự phòng trên tường.
Viễn cảnh tương lai này có thể làm một số người quan ngại. Khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, liệu các nhân viên có muốn quay trở lại một văn phòng tiệt trùng sử dụng công nghệ dùng trong các bệnh viện như vậy? Ở Romania cũng như mọi nơi khác ở châu Âu, phần lớn nhân viên văn phòng đều phải ở nhà trong 18 tháng qua, nhiều người trong số họ lo lắng về viễn cảnh quay trở lại nơi làm việc, theo kết quả các khảo sát.
“Điểm chính ở đây là làm mọi người yên tâm; chúng tôi không muốn gây hoảng loạn,”, Gavin Bonner, một trong các điều phối viên chính của dự án tiêu chuẩn xây dựng Immune nói. Dự án đã tập hợp các chuyên gia y tế, kiến trúc sư, kỹ sư, quản lý IT và quản lý công trình xây dựng trên khắp thế giới nhằm giúp các doanh nghiệp chuẩn bị cho cuộc sống sau đại dịch.
Tiêu chuẩn công khai được đăng ký bản quyền với tên Immune đã được áp dụng đối với một số công trình ở Vương quốc Anh. Trong số các chủ đầu tư đã áp dụng tiêu chuẩn này bao gồm Genesis, một công ty bất động sản hàng đầu của Romania và cũng đồng thời là chủ tòa nhà H3; chi phí của dự dự án này là khoảng 1 triệu euro.
Nhiều tòa nhà khác từ Mỹ đến Singapore đang trong quá trình đăng ký cấp chứng nhận Immune, theo lời của Liviu Tudor, CEO của Genesis. Tòa nhà H3 đóng vai trò là phòng trưng bày cho tiêu chuẩn này, được bảo vệ ở mức cao nhất với toàn bộ 135 biện pháp được khuyến nghị.
Dự án mang tính mở nhằm “nỗ lực tập hợp những ý tưởng tốt nhất”, theo lời Tudor. Ông đã đệ trình hồ sơ tới EU với hy vọng dự án sẽ trở thành nền tảng cho một tiêu chuẩn mới trong cả khối, giống với tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy thông dụng.
Tudor cũng nói rằng dự án bao hàm mọi thứ từ đột phá công nghệ, tri thức khoa học cho đến tâm lý học công sở và hy vọng rằng nó sẽ củng cố lòng tin của cả các chủ lao động và nhân viên, hàng triệu người trong số đó đang tranh luận về việc liệu trở lại văn phòng có an toàn hay không và nếu có thì cần làm thế nào.
Dự án về mặt thực tiễn là cách để Tudor cố gắng vực dậy ngành bất động sản thương mại, vốn bị các nhà đầu tư tránh xa ở thời điểm đại dịch đạt đỉnh. Ông thấu hiểu sâu sắc những rủi ro chờ đợi doanh nghiệp của mình nếu các công ty quyết định rằng họ không cần hoặc không thế tiếp tục thuê mặt bằng văn phòng.
Công ty viễn thông của Thụy Điển Ericsson hiện là bên thuê tòa nhà H3, có diện tích mặt bằng 15.500 m2; tòa nhà đã được tân trang trong năm qua với chi phí 375.000 euro. Thông thường sẽ có 2.000 nhân viên làm việc trong tòa nhà nhưng giờ chỉ có một số ít trong đó làm việc tại văn phòng, ngồi ở các bàn làm việc và phòng họp được giãn cách đầy đủ. Các nhân viên đều đặt trước chỗ qua công cụ đăng ký online nhằm tránh việc văn phòng có quá nhiều người. Sau mùa hè này, khoảng 20% nhân viên được kỳ vọng sẽ quay trở lại.
“Chúng tôi cần có được sự tin tưởng của mọi người, bảo đảm với họ rằng chúng tôi đã làm tất cả để bảo vệ những người làm việc trong tòa nhà và chúng tôi muốn cung cấp cho họ nhiều thông tin nhất có thể”, một đại diện ẩn danh của công ty ở Romania cho biết
Giao tiếp được coi là chìa khóa, do đó các nhân viên được khuyến khích sử dụng màn hình lớn ở tiền sảnh tòa nhà để “bắt mạch cho tòa nhà”, như cách Quản lý IT của Genesis Dragoș Cozma nói. Anh trình bày một bản đồ 3D chi tiết của tòa nhà, với các điểm cảm ứng cho thấy hệ thống các biện pháp “tăng cường miễn dịch”.
Nhân viên được mời kiểm tra mọi thứ, từ việc còn bao nhiêu chai cồn sát khuẩn còn trong tủ chứa đồ cho đến nồng độ radon, chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), carbon dioxide và độ ẩm trong tòa nhà. Họ có thể so sánh các chỉ số này ở các tầng khác nhau và so sánh với những ngày trước đó, hoặc xem video giải thích cơ sở khoa học của máy lọc nước thẩm thấu ngược ở tầng hầm, công nghệ sử dụng trong máy “diệt virus” và các cảm biến được lắp đặt để phòng bệnh viêm phổi do virus Legionella, được phát hiện trong các ống vào thời gian phong tỏa.
“Vì các nhân viên đều là các chuyên gia IT nên họ đánh giá cao cách tiếp cận sử dụng công nghệ này”, đại diện công ty cho biết.
Ở những chỗ khác trong tòa nhà, một số biện pháp đơn giản hơn bao gồm cửa gắn tay nắm có thể được mở bằng khuỷu tay hoặc cẳng tay. Các phụ kiện và sàn đều có góc bo tròn nếu có thể vì ít góc cạnh cũng có nghĩa là vi sinh vật có ít cơ hội bám vào hơn.
Buồng vệ sinh được bao kín từ sàn đến trần; vì khoảng cách đến toilet bên cạnh chưa đạt đủ 2m như khuyến cáo nên giải pháp an toàn hơn sẽ là làm buồng toilet khép kín với điều hòa. Vào ban đêm, một robot cao 1.2 m đi khắp tòa nhà và sử dụng đèn UV khử khuẩn và loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Ban ngày, các điểm chính yếu trong hệ thống thông gió phát ra ion hydro peroxide; hệ thống này có thể được nhìn thấy nhờ các tấm trong suốt gắn trên trần nhà. “Quan trọng nhất là mọi người có thể nhìn thấy được”, Bonner nói.
Cuối cùng thì, liệu dự án này có phải chỉ là “màn kịch” về vấn đề vệ sinh không? Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có đáng đầu tư hàng triệu euro cải tạo lại một tòa nhà trong khi virus SARS-CoV-2 lan truyền một phần nhờ vào hành vi con người. Đồng thuận khoa học cho rằng Covid-19 lây truyền qua giọt bắn và hạt aerosol trong không khí, nhưng hiếm khi lây qua các bề mặt; vậy nên lời khuyên chung được đưa ra là tránh không gian trong nhà.
Tudor nói rằng các nhân viên vẫn sẽ được khuyến khích sử dụng biện pháp đơn giản hơn là “thông khí chéo”, hay nói cách khác là thường xuyên mở cửa sổ.
Trong văn phòng của mình ở Cotroceni, Tudor, vốn là một kỹ sư máy bay trước khi bước vào nghề bất động sản và tích lũy 150.000 m2 không gian văn phòng ở Romania, biện luận rằng dự án đi xa hơn nhiều một “màn kịch”. Ông trình bày khái niệm “công trình có lợi cho sức khỏe” của mình như là bước tiếp theo trong lịch sử xây dựng những công trình thích nghi được với các mối nguy hiểm chực chờ.
Theo lời Tudor, “Đầu tiên ta xây nhà với tường và mái, sau đó có quy chuẩn về phòng chống động đất và hỏa hoạn, và gần đây có thêm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và làm các công trình trở nên bền vững hơn. Giờ đây, trong lúc đại dịch đang diễn ra, đã đến lúc cần thích nghi với thực tế đó và nhiều nguy cơ khác dù là từ vi khuẩn hay chất độc hại. Chỉ kê mấy cái bàn ra xa nhau hơn chút là chưa đủ.”
(Dịch từ The Guardian)