Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) tổ chức sáng 24/5, nhiều nhà đầu tư quan tâm và thảo luận về khối tiền mặt hơn 46.000 tỷ đồng của công ty.
Có những nhà đầu tư cho rằng giữ lượng tiền mặt nhiều như thế quá phí nên chia thêm cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông hoặc chia ra thành từng phần để gửi ngân hàng theo các kỳ 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, … Có nhà đầu tư thì gợi ý ban lãnh đạo Hòa Phát học hỏi cách CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) quản lý tiền "như một ngân hàng".
Trên thị trường hiện nay, Hoà Phát đang là doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất (46.300 tỷ đồng) còn MWG đứng thứ 12 với khoảng 14.900 tỷ đồng. Số tiền mặt của MWG còn chưa bằng 1/3 số tiền mặt của Hoà Phát nhưng lãi từ tiền gửi của MWG lại bằng 1 nửa của Hoà Phát.
Trong 14.900 tỷ đồng tiền mặt, gần 11.700 tỷ đồng được MWG dùng để gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm và hưởng tiền lãi theo lãi suất dao động từ 5% đến 8,65%/năm.
Ngoài ra, MWG còn cho vay ngắn hạn 895 tỷ đồng đối với các công ty chứng khoán với kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng và hưởng lãi suất từ 6% đến 6,96%/năm.
Trong kỳ, lãi từ tiền gửi của MWG đạt gần 211 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay chỉ 200 tỷ.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính của MWG khoảng 148 tỷ đồng
Còn về phía Hòa Phát, phần lớn tiền của tập đoàn đều được gửi ngắn hạn ở ngân hàng, khoản cho vay là 194 tỷ đồng, khá nhỏ bé so với con số 46.000 tỷ đồng. Lãi thu được từ tiền gửi trong quý 1 của Hoà Phát là gần 417 tỷ, chưa đủ để chi trả cho chi phí lãi vay 597 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Hoà Phát lỗ khoảng 342 tỷ đồng
Chúng tôi không thể phiêu lưu vì vận mệnh để phát triển Dung Quất 2 là quan trọng
Tại đại hội ông Trần Đình Long chia sẻ, "Rất nhiều người chê Hoà Phát về việc sử dụng tiền, tôi muốn nói là số tiền mặt 46.000 tỷ chúng tôi không thể phiêu lưu được, rất nhiều tổ chức tín dụng góp ý tại sao anh để tiền phí thế, 1 năm kiếm được thêm 400-500 tỷ, nhưng vận mệnh để phát triển Dung Quất 2 là quan trọng."
Dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có diện tích 280 ha, công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép mỗi năm dự kiến triển khai ngay trong năm 2022, dự án sẽ nâng sản lượng thép của Hòa Phát lên 14 triệu tấn vào năm 2025.
Ông Long đang dồn toàn lực và vốn để dự án này được hoàn thành đúng hạn. Nhu cầu vốn cho Dung Quất 2 là gần 80.000 tỷ đồng, các ngân hàng trong nước cho vay 35.000 tỷ, vẫn thiếu khoảng 45.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam cho một doanh nghiệp vay 35.000 tỷ đồng.
Theo ông Long, với quy mô doanh thu tập đoàn thì phải yêu cầu 20.000 tỷ "tiền lỏng" đẻ đảm bảo khả năng thanh toán, thậm chí giám đốc tài chính còn yêu cầu 30.000 tỷ.
Ông Long cũng cho biết có nơi còn đề nghị Hoà Phát cho vay tiền và trả lãi suất từ 18 – 20% mà Hoà Phát từ chối.
Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đạt mức 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần so với trước khi Hòa Phát bắt tay xây dựng Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 cách đây 5 năm. Đây cũng là lợi nhuận ở mức kỷ lục trong lịch sử của Tập đoàn cũng như của một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) vẫn đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của Hoà Phát. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 96% toàn Tập đoàn. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,7%. Nên dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động sẽ tạo nên nguồn lực rất lớn cho Hoà Phát tạo ra giá trị lớn hơn.
Phiên giao dịch hôm 26/5, giá cổ phiếu HPG tăng 1,45% lên mức giá 35.000 đồng/cp, chiết khấu khoảng 40% kể từ vùng đỉnh tháng 10/2021 khi giá rơi vào khoảng 58.000 đồng/cp.
Theo Huyền Trang
Nhịp Sống Kinh tế