Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh thế giới, Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có chỉ số năng lực phát triển của du lịch tăng điểm số cao nhất thế giới và tăng tới 8 bậc so với năm 2019. Những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế thời gian qua đều căn cứ vào thực tiễn kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các chính sách điều hành linh hoạt; chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương.
Việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Kinh tế vĩ mô năm 2021 và 5 tháng đầu năm nay được giữ vững, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đảm bảo, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng, GDP tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm.
"GDP quý I/2022 tăng 5,03% so với quý I/2021 chỉ tăng 4,6%. Như vậy, kinh tế đã hồi phục và chúng ta mở trở lại các hoạt động kinh tế kể cả thu hút du lịch quốc tế. Thương mại dịch vụ các năm trước khó khăn nhưng nay đã phục hồi", ông Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Đến hết quý I năm nay, Việt Nam được đánh giá là "Nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á". Ngoài yếu tố tiên quyết là tỷ lệ tiêm chủng toàn xã hội cao giúp ngăn ngừa dịch COVID-19 còn có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính.
TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội nói: "Giải pháp miễn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí; đẩy mạnh đầu tư công; cơ cấu lại nợ ngân hàng, cấp bù lãi suất và kèm theo các yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và mức độ khơi thông các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã góp phần khôi phục đà tăng trưởng".
"Tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước đã góp phần làm giảm áp lưc nợ công trong năm 2021 vừa qua. Đó là cơ sở để chúng ta cân đối, tính toán kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước trong năm 2022 này", TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cho biết.
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch. Ảnh minh họa.
Không chỉ S&P mà các tổ chức quốc tế hàng đầu khác như Ngân hàng Thế giới, ngân hàng phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đồng loạt đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam.
Bà Sagarika Chandra - Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc đạt trên 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023. Vì thế Fitch ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện hơn nữa tài chính công sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam trong thời gian tới".
"Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tối đa những tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, nếu lạm phát thế giới tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế Việt Nam nên điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, các cấp có thẩm quyền nên có các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất doanh nghiệp", ông Jacques Moisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng thêm trong các tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Đây là các căn cứ để các tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam trở thành điển hình của những thành quả ổn định tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều rủi ro của nền kinh tế toàn cầu.
VTV.vn - Ngày 26/5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.52960410272502202-hcid-iad-uas-hnahn-ioh-cuhp-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.vtv