Việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua quyết liệt chỉ đạo để thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế cũng nằm trong chủ trương phòng ngừa, khắc phục những yếu kém, hạn chế trước đây về mặt “chống”. Thông qua các vụ việc, vụ án cụ thể được xử lý nghiêm sẽ răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, các cơ quan chức năng cũng cần cởi mở với báo chí, hiểu biết và theo kịp truyền thông hiện đại để phát huy được giá trị răn đe, phòng ngừa qua mỗi vụ việc cụ thể.
Có nhiều kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng trên thế giới có thể học hỏi. Ở Trung Quốc, họ cho phạm nhân bị kết án tham nhũng đi nói chuyện; tổ chức đoàn cán bộ tham quan nhà tù, thảo luận rộng rãi các bài học từ các vụ án, án kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật...
Còn Singapore thì cùng với việc trả lương cao, họ còn trích 5% lương lập quỹ dự phòng và tỉ lệ sẽ tăng dần. Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Còn nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu.
Kinh nghiệm tốt về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên thế giới thì nhiều. Nhưng để phù hợp với giai đoạn hiện nay ở nước ta thì tôi cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trong sạch. Trong đó, trước hết cần sớm cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức.
Đại biểu quốc hội HOÀNG MINH HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội