vĐồng tin tức tài chính 365

Vấn nạn 'khủng bố' đòi nợ giáo viên dù không vay tiền

2022-05-30 17:07

Ngày 29/5, lãnh đạo Công an Hà Tĩnh cho biết, đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cùng công an một số huyện trên địa bàn truy tìm người liên quan, làm rõ bản chất những vụ xúc phạm danh dự trên mạng vừa qua để xử lý.

"Khi tìm ra người đăng tin thất thiệt, công an sẽ căn cứ vào mức độ để chuyển cơ quan thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt", lãnh đạo Công an Hà Tĩnh nói. Với những nạn nhân là công chức, giáo viên.... nhà chức trách sẽ trao đổi với đơn vị chủ quản để có những biện pháp bảo vệ và nhắc nhở cán bộ, tránh dính vào những sự việc không hay.

Trước đó, trong đơn gửi đến Công an huyện Lộc Hà và Sở Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh, ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà, trình báo những ngày qua, ông cùng một số cán bộ, hiệu trưởng, giáo viên trên địa bàn liên tục bị nhiều số điện thoại lạ gọi điện đòi nợ, đăng tin bêu xấu, vu không trên mạng xã hội, dù không vay tiền hay mâu thuẫn với ai.

Vào cuộc tìm hiểu, nhà chức trách nhận định, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc một chuyên viên Phòng giáo dục huyện Lộc Hà từng vay tiền của một công ty tài chính. Theo chuyên viên này, anh vay tiền từ tháng 4/2020, đã trả hết cả gốc và lãi hơn 120 triệu đồng,"nhưng không hiểu sao vẫn bị nhiều số điện thoại lạ làm phiền, cắt ghép hình ảnh bôi xấu gia đình lên mạng xã hội".

"Việc này gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín của lãnh đạo và nhiều cán bộ, giáo viên trên địa bàn", Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà nói.

Một tin nhắn nhờ đòi nợ được gửi tới Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà. Ảnh: Hùng Lê

Một tin nhắn "nhờ đòi nợ" được gửi tới Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà. Ảnh: Hùng Lê

Tại huyện Hương Khê, lãnh đạo và giáo viên trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cũng bị "khủng bố". Hình ảnh, tên tuổi, số điện thoại, email của họ được đăng lên Facebook, với nội dung "truy tìm các giáo viên lừa đảo".

Trình báo tới cơ quan chức năng, ông Đặng Thái Mân, Hiệu trưởng nhà trường giải thích, trước đó một giáo viên trong trường nợ tiền của một công ty tài chính, nay đã quá hạn nhưng chưa trả đủ, đây có thể là nguồn cơn của sự việc.

Ngoài cán bộ ngành giáo dục, một số người dân khác trong tỉnh cũng trình báo gần đây các thành viên trong gia đình bị nhiều người lạ gọi điện đến quấy nhiễu, nói đã vay tiền qua app điện thoại, yêu cầu phải trả nợ, dù họ không vay.

Nghệ An trong tháng 5 cũng ghi nhận nhiều giáo viên trở thành nạn nhân của các tổ chức cho vay tiền qua mạng. Một nữ giáo viên THPT tại huyện Yên Thành, trình báo công an bị các số điện thoại lạ gọi tới yêu cầu tác động một đồng nghiệp cùng trường, khuyên người thân sớm hoàn trả khoản tiền đã vay. Sau nhiều cuộc gọi "nhờ vả" nhưng không có kết quả, người lạ yêu cầu cô giáo trả tiền hộ. Từ chối đề nghị vô lý, hình ảnh cá nhân của nữ giáo viên bị đăng lên mạng xã hội cùng những thông tin sai sự thật khiến cô và gia đình hoang mang.

"Tôi thấy quá vô lý và khó chịu với kiểu đòi nợ như vậy", nữ giáo viên nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan công an đã đã yêu cầu các phòng Giáo dục, đơn vị trực thuộc lập danh sách những giáo viên, nhân viên của đơn vị bị "khủng bố" đòi nợ và lừa đảo trong thời gian qua, gửi báo cáo về Sở trong tháng 5.

Theo lãnh đạo Công an Hà Tĩnh, nguyên nhân các vụ việc một phần do một số người nhẹ dạ cả tin, thấy quảng cáo vay tiền qua app dễ dàng nên lỡ dính vào, không ngờ bị áp lãi quá cao, khó hoàn trả.

Hình thức đòi nợ này do những người cho vay tiền qua app điện thoại thực hiện, diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Người dân có nhu cầu vay tiền sẽ tạo một tài khoản, điền các thông tin cá nhân như số thẻ căn cước, tài khoản ngân hàng, đồng ý cho app truy cập vào danh bạ điện thoại hoặc cung cấp tên tuổi, địa chỉ liên lạc của một số người thân, bạn bè, lãnh đạo cơ quan.

Hoàn tất thủ tục, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản người vay, với lãi suất cao gấp nhiều lần so với mức đề ra lúc làm hồ sơ ban đầu. Đến kỳ hạn trả nợ, nếu đối tác chậm trả gốc và lãi, người cho vay sẽ đòi nợ bằng cách lợi dụng mạng xã hội đăng các bài viết, hình ảnh để bôi nhọ, gây áp lực tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để đạt được mục đích thu hồi khoản tiền đã "giải ngân".

Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến ngân hàng để được vay với lãi suất do Nhà nước quy định, tránh tình trạng vướng vào các hoạt động "tín dụng đen" làm ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, đồng nghiệp. Trường hợp không liên quan nhưng bị gọi điện gây sức ép trả nợ thì nên tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại với công an, ghi âm cuộc gọi và thu thập thông tin số điện thoại khiếu nại với nhà mạng, tố cáo về Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh đề nghị xử lý.

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được yêu cầu tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên biết các hình thức và thủ đoạn "tín dụng đen" trên mạng, khuyến cáo họ không nên vay tiền qua các ứng dụng tài chính trực tuyến để tránh rủi ro.

Đức Hùng - Nguyễn Hải

Xem thêm: lmth.2539644-gnam-nert-neiv-oaig-oad-hnal-ob-gnuhk-ek-mit-yurt/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: vay

“Vấn nạn 'khủng bố' đòi nợ giáo viên dù không vay tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools