Đáng chú ý là sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hứa hẹn tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi nền kinh tế.
Một doanh nghiệp sản xuất trang sức từ Đan Mạch đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 100 triệu USD tại Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy thứ 3 trên toàn cầu và có vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng của tập đoàn. Một trong những lý do doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là đáp ứng được nhu cầu xây dựng nhà máy 100% sử dụng năng lượng tái tạo.
"Việt Nam có bề dày lịch sử về thợ trang sức, giúp chúng tôi tiếp cận lượng lớn thợ có tay nghề cao. Việc chọn đặt nhà máy tại Bình Dương là bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, chú trọng phát triển bền vững và phát triển năng lượng tái tạo, giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu về môi trường", ông Jeerasage Puranasmriddhi - Giám đốc Cung ứng, Tập đoàn Pandora cho hay.
Khu vực rộng 1.000 ha đang được đầu tư xây dựng để trở thành một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo hướng thông minh, bền vững. Điểm đặc biệt là ở đây sẽ hình thành nên một trang trại điện năng lượng mặt trời rộng 50ha để cung cấp năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp trong khu.
Đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến. Ảnh minh họa.
Theo Tổng Cục Thống kê, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới quan sát đánh giá, điểm tích cực hơn là bắt đầu có sự dịch chuyển về chất lượng của các dự án, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Đây không phải là chuyện tương lai, mà thực tế đang diễn ra rồi. Chúng tôi đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ đưa khoảng 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư và phản hồi của doanh nghiệp là rất tích cực. Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực".
"Tôi khá tự tin rằng sẽ có nhiều hơn những dự án đầu tư chất lượng cao từ Đan Mạch khi nhìn vào chủ trương phát triển của Việt Nam. Ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn sử dụng những sản phẩm xanh và để có được thì doanh nghiệp sẽ phải sản xuất theo một quy trình xanh", ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.
Giới doanh nghiệp cho rằng, do các lĩnh vực kinh tế xanh, năng lượng tái tạo vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Do đó khi đầu tư, doanh nghiệp gặp một số vướng mắc về pháp lý, cần các cơ quan quản lý đồng hành, hỗ trợ gỡ vướng nhiều hơn để tránh ảnh hưởng tiến độ của dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.20902124103502202-hnax-idf-na-ud-cac-tuh-uht-man-teiv/et-hnik/nv.vtv