Chiều 30-5, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt bị cáo Phí Văn Thành (64 tuổi, Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt, huyện Hàm Thuận Nam) bảy năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Hồ Thị Ngọc Yến (28 tuổi) 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Thành còn bị cấm hành nghề công chứng ba năm. Riêng bị cáo Yến phải có trách nhiệm bồi thường cho những người bị Yến lừa đảo 20 tỉ đồng.
Hai bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: PĐ |
Theo cáo trạng, năm 2018, Yến lừa bán đất và giả chữ ký lừa bán nhà, thế chấp vay tiền của nhiều người ở TP Phan Thiết chiếm đoạt hơn 21 tỉ đồng. Những hợp đồng chuyển nhượng, ủy quyền đều thực hiện tại Văn phòng công chứng Tiến Đạt.
Đến tháng 11-2018, sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Yến bỏ trốn sang Trung Quốc và bị công an tỉnh Bình Thuận truy nã từ tháng 9-2019. Sau đó, Yến về lại Việt Nam sinh sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu và đổi tên thành Lê Thị Thanh Thảo cho đến tháng 12-2020 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
Quá trình thực hiện công chứng hợp đồng, bị cáo Thành đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công chứng, không yêu cầu chủ đất xuất trình bản gốc giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu), cũng không yêu cầu phải có giấy xác nhận độc thân của chủ đất để kiểm tra, đối chiếu.
Bị cáo Thành cũng không yêu cầu các bên công chứng ký trước mặt mình. Bị cáo đã bỏ qua nguyên tắc về chỉnh sửa hợp đồng nên đã làm lại hợp đồng ủy quyền và không phát hiện việc Yến giả chữ ký của chủ đất trên các hợp đồng nói trên.
Hành vi của bị cáo Thành đã xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, làm mất an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, gián tiếp gây thiệt hại cho người khác.
Quang cảnh phiên tòa chiều 30-5. Ảnh: PĐ |
Trong hai ngày diễn ra phiên tòa (25 và 26-5), LS Đặng Trường Thanh bảo vệ cho bị hại cho rằng hành vi của bị cáo Thành là đồng phạm chứ không phải phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng quy kết.
Theo LS, hành vi công chứng các hồ sơ giả mạo chữ ký của Yến dẫn đến bị cáo này lừa đảo là có sự trợ giúp của trưởng văn phòng công chứng. Đặc biệt, chồng bị cáo Yến là HVT cũng cần phải truy tố với vai trò đồng phạm.
Theo LS, quá trình Yến tổ chức lừa đảo đều có sự chứng kiến của T và từ lúc Yến thực hiện hành vi lừa đảo đến khi trốn sang Trung Quốc và về Bà Rịa-Vũng Tàu đều có T đi cùng. Do đó, không thể cho rằng T không biết việc vợ mình lừa đảo. Qua đó, LS đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra theo hướng bị cáo Thành và chồng bị cáo Yến có vai trò đồng phạm lừa đảo.
Tuy nhiên theo đại diện VKS, chồng Yến có đi cùng trong những lần ký hợp đồng, nhận tiền của các bị hại nhưng chỉ có nhiệm vụ chở Yến đi. Mọi hoạt động giao dịch, thỏa thuận và giao nhận tiền giữa Yến với các bị hại đều do Yến trực tiếp thực hiện.
Các bị hại cũng xác định chỉ thấy T chở Yến đi chứ không tham gia bàn bạc, trao đổi gì nên không có căn cứ để xử lý T về vai trò đồng phạm. Hiện nay, T đồng ý kê biên tất cả tài sản, kể cả tài sản T được cho tặng riêng để trả nợ cho các bị hại trong vụ án.
Đại diện VKS giữ quyền công tố cũng cho rằng cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội; bị cáo Thành chỉ sai phạm khi không thực hiện kiểm tra các hồ sơ gốc trong hợp đồng công chứng và không hề biết Yến dùng hợp đồng công chứng để đi lừa đảo.
Riêng chồng Yến chỉ nghĩ vợ mình kinh doanh đất đai, không biết vợ đang thực hiện hành vi lừa đảo.
Sau khi nghị án kéo dài, HĐXX đã đồng ý với quan điểm của VKS và tuyên mức án như trên.
Trao đổi với PLO, LS Đặng Trường Thanh cho biết đã trao đổi với gia đình làm đơn kháng cáo theo hướng trưởng văn phòng công chứng và chồng của Yến đồng phạm lừa đảo.