Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo triển khai hướng dẫn chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội diễn ra ngày 30-5.
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho hay Bộ Công an và một số bộ ngành như Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang nghiên cứu, xây dựng phương án cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân Việt Nam.
Theo trung tá Vĩnh, tài khoản này đảm bảo chi trả tiền hỗ trợ "đúng người, đúng thời điểm", giảm thiểu thủ tục, đảm bảo giám sát hiệu quả. Công dân chỉ cần nhớ một dãy số duy nhất là mã số định danh cá nhân, đó cũng là số tài khoản ngân hàng phục vụ an sinh xã hội (tài khoản an sinh). Tương lai, số định danh cá nhân còn gắn với số thẻ căn cước công dân, mã số thuế và nhiều giấy tờ khác.
Theo vị này, công dân được quyền lựa chọn tài khoản ngân hàng theo mong muốn, hệ thống định danh và xác thực điện tử cập nhật thông tin tài khoản an sinh công dân qua ứng dụng chuyên biệt, có thể là VNeID. Để thuận tiện cho bà con, phương án được đề xuất là cấp tài khoản an sinh song song với quá trình công dân làm căn cước công dân, định danh điện tử. So với quy định hiện hành, các ngân hàng mở tài khoản an sinh cho công dân theo dữ liệu từ hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội ở Việt Nam gặp thách thức như đối tượng đa dạng, nhiều người thụ hưởng chính sách ở vùng khó khăn.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng chia sẻ những "điểm sáng". Theo thống kê đến hết tháng 3-2022, khoảng 60% trong hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money là người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ngoài ra, cuối năm 2021, Việt Nam có 114 triệu tài khoản khách hàng cá nhân, trong đó 66% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần khuyến khích người dân chi tiêu trên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh QR code đến tận chợ cóc để bà con thanh toán điện tử khi mua mớ rau, con cá. Để người dân thực sự mua sắm, giao dịch không tiền mặt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chính sách miễn giảm phí tin nhắn di động, giảm cước mạng 3G, đơn giản hóa giao diện Mobile Banking...
TTO - Mỗi năm, kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỉ đồng, chi trả lương hưu trên 100.000 tỉ đồng... Ngân hàng Thế giới, chuyên gia tiền lương nói gì về tương lai Chính phủ có thể chuyển tiền trong 'nháy mắt' cho người dân.
Xem thêm: mth.46425959103502202-uhp-hnihc-ut-ort-oh-nahn-naohk-iat-oc-ued-es-man-teiv-nad-iougn-iom/nv.ertiout