Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực - Ảnh: N.PHƯỢNG
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2021 đầu năm 2022, Bộ Công thương tiếp tục khẳng định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quý 2 và tồn kho gối đầu sang quý 3 khoảng 1,5 triệu m3 xăng dầu.
Dẫn chứng, bộ này cho rằng nhu cầu xăng dầu quý 2 là khoảng 5,2 triệu m3, nguồn cung xăng dầu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3. Trong đó 1,8 triệu m3 từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, 1,9 triệu m3 từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và nguồn nhập khẩu 1,5 triệu m3.
Chưa kể 2,4 triệu m3 Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu bổ sung và còn khoảng 1,5 triệu m3 xăng dầu tồn kho từ quý 1 chuyển sang.
Trong điều hành xăng dầu, liên bộ Công thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để đảm bảo giá xăng dầu trong nước theo xu hướng, diễn biến giá thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới giao dịch trên thị trường Singapore dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-5 so với đầu năm 2020 biến động tăng 50,23 - 67,09%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 25,04-46,85%.
Với giá xăng ở thời điểm ngày 11-5, xăng RON95 là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,3 USD/lít), Bộ Công thương nhận định bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86/170 quốc gia, nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Campuchia (1,39 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít).
Nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sau dịch và giá xăng dầu tăng do giá thế giới tăng và gián đoạn nguồn cung trong nước, liên bộ Công thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn đà tăng giá thế giới.
Bộ Công thương cho hay sau đợt khan hiếm đầu năm 2022 khiến một số cửa hàng xăng dầu ở miền Nam ngừng bán, từ đó đến nay "chưa lần nào xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu, dù là cục bộ". Nguồn cung trong nước được đảm bảo với tổng nguồn cung khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3 và nhập khẩu gần 6,3 triệu m3.
Riêng trong quý 2, theo Bộ Công thương, nhu cầu cả nước khoảng 5,2 triệu m3, nguồn cung dự kiến có thể lên đến 6,7 triệu m3. Trong đó, từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 1,8 triệu m3 và từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn (Dung Quất) khoảng 1,9 triệu m3.
Như vậy, dù công suất thiết kế của Bình Sơn nhỏ hơn nhiều (chỉ 6,5 triệu tấn/năm) so với Nghi Sơn (8,4 triệu tấn/năm) song nhờ việc vận hành hiệu quả, nhiều thời điểm chạy 103-105% công suất thiết kế nên sản lượng xăng cung ứng cho thị trường trong nước đã vượt Nhà máy Nghi Sơn trong quý 2.
Bộ Công thương cho biết nguyên do là bởi Nghi Sơn cắt giảm công suất vì khó khăn về tài chính nên lượng hàng giao trong tháng 2 giảm tới 50%, tháng 3 giảm 20%. Đây là nguyên nhân chính khiến cho một số cửa hàng ở miền Nam ngừng bán hồi đầu năm.
TTO - Diễn biến mới cho thấy nếu không có giải pháp căn cơ hơn nữa, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... có thể bị đe dọa bởi đà tăng mạnh của giá xăng dầu.