Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ mức 47,4 trong tháng 4 lên 49,6 trong tháng 5, cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia. Giới chức Trung Quốc nhận định, điều này cho thấy các chính sách hỗ trợ sản xuất và chuỗi cung ứng trong thời gian qua đã bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả này hiện vẫn thấp hơn ngưỡng 50 điểm, biểu hiện sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Theo các chuyên gia, mặc dù những biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng tại các trung tâm sản xuất chính ở Thượng Hải và khu vực Đông Bắc, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời gian giao hàng kéo dài, lượng dự trữ nguyên liệu thô giảm.
Các nhà phân tích dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi và thậm chí có thể suy giảm trong quý 2 năm nay.
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất ô tô ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
"Chỉ số PMI chính thức cho thấy, các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã dần hồi phục, khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Tuy nhiên, đà phục hồi trong thời gian tới vẫn sẽ trầm lắng do nhu cầu yếu tại các thị trường quốc tế và những căng thẳng trên thị trường lao động", ông Julian Evans Pritchard, chuyên gia kinh tế công ty Capital Economics nhận định.
Những khó khăn tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng đáng kể đến các đối tác thương mại lớn của nước này là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các số liệu mới công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 4 đã giảm 3,3% so với tháng 3. Đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 7 tháng qua và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Tại Nhật Bản, sản lượng công nghiệp trong tháng 4 cũng giảm 1,3% chủ yếu do sự sụt giảm trong nhóm mặt hàng đồ điện tử và máy móc sản xuất.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở 2 quốc gia Đông Bắc Á này, được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn, khi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
VTV.vn - Tại châu Á, kinh tế Nhật đã có quý 1 suy giảm. Lạm phát, giá cả các mặt hàng cao cũng tạo áp lực lên nhiều nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58934505113502202-ohk-pag-nav-a-uahc-coun-ueihn-iat-taux-nas-gnod-taoh/et-hnik/nv.vtv