Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tháng 5 với sắc đỏ chiếm ưu thế đáng kể ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này đẩy chỉ số chính VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu ngay những phút đầu tiên kết thúc phiên ATO.. Tạ nhóm vốn hóa lớn, VRE giảm 1%, PNJ giảm 1,6%, BID giảm 1,3%, ACB giảm 1,3%, TCB giảm 1,3%.
Các chỉ số giao dịch giằng co và phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Sự phân hóa diễn ra khá rõ nét trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5. Trong khi cổ phiếu dầu khí, phân bón dẫn dắt xu hướng đi lên thì cổ phiếu ngân hàng, thép lại dẫn đầu nhóm gây áp lực.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,24 điểm, tương ứng 0,1% xuống 1.292,68 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 298 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,99 điểm, tương ứng 0,96% lên 315,76 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 124 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,26 điểm, tương ứng 0,27% xuống 95,45 điểm.
Cổ phiếu nhóm VN30 sau nhiều phiên liên tiếp đóng vai trò trụ đỡ thị trường thì nay lại tác động xấu nhất tới chỉ số. Chỉ số đại diện VN30 giảm tới hơn 10 điểm, tương ứng 0,77%. Nhóm này có tới 20 mã giảm điểm.
Những mã tác động tiêu cực nhất thị trường hôm nay là thép và ngân hàng. Trong đó, HPG giảm 2,12% và là mã tác động xấu nhất tới chỉ số chung. Mã này được sang tay khối lượng lớn, 18,8 triệu cổ phiếu. Các mã ngân hàng mới phiên hôm qua (30/5) là "người hùng" của phiên giao dịch thì nay quay đầu giảm điểm và đều nằm trong nhóm tác động xấu nhất tới thị trường. VPB giảm 1,9%, BID giảm 1,26%, TCB giảm 1,59%, MBB giảm 1,25%... Nhiều mã khác tuy không nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số song cũng phủ bóng sắc đỏ theo đà giảm chung như LPB, MSB, NAB, SHB, STB, TPB, VAB…
Cổ phiếu bán lẻ phiên 31/5 cũng giao dịch tiêu cực. PNJ giảm tới 4,65% sau đợt tăng tốt xuống mức 114.900 đồng/cổ phiếu, FRT giảm 5,28% xuống 123.900 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 0,21%...
Cổ phiếu "họ FLC" sau phiên tăng trần mạnh mẽ đã quay đầu giảm điểm. FLC giảm 4,23%, KLF giảm 2,38%, ART giảm 4,69%, AMD giảm 2,29%...
Ngược lại, dòng tiền lại có xu hướng đổ về nhóm dầu khí. GAS đại diện nhóm này là mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số chung. GAS tăng kịch trần và cũng là mã duy nhất của nhóm VN30 tăng trần phiên 31/5. Ngoài ra, PTV cũng tăng trần. Nhiều mã nhóm này tuy không tăng trần nhưng đều ghi nhận mức tăng tốt và được sang tay khối lượng tích cực suốt cả phiên giao dịch như BSR, OIL, PVD, PVB, PVC, PVS…
Một nhóm khác cũng tham gia kéo chỉ số đáng kể và nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến từ phân bón, hóa chất. Trong đó DCM của Đạm Cà Mau tăng trần lên 37.250 đồng/cổ phiếu, DPM của Đạm Phú Mỹ có thêm 5,5% đạt 59.600 đồng/cổ phiếu, DGC của Hóa chất Đức Giang tiến 4% lên 223.600 đồng/cổ phiếu, BFC tăng 4,2%, SFG tăng 2,5%...
CTD hôm nay tăng kịch trần sau thông tin lãnh đạo Coteccons, ông Bolat Duisenov đã đăng ký mua vào 730.000 cổ phiếu khi thị giá giảm 50% kể từ đầu năm 2022 đến nay. Đây là lần thứ 2 vị Chủ tịch người Kazakhstan đăng ký gom cổ phiếu CTD. Lần đầu tiên đăng ký mua vào cổ phiếu CTD của ông là hồi tháng 11/2021, khi diễn biến giá trên sàn chứng khoán đang ảm đạm. Dự kiến sau khi giao dịch thành công, ông Bolat Duisenov chính thức nâng sở hữu cổ phiếu CTD lên 1,3 triệu cổ phần, tương ứng 1,6% vốn.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với tổng trị giá 384 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục được mua mạnh nhất gần 215 tỷ đồng. Mã VHM cũng được mua 69 tỷ đồng, DGC 48 tỷ đồng, MSN 36 tỷ đồng… Bên cạnh đó, vẫn có một số mã bị bán như chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị bán tới gần 100 tỷ đồng, PNJ cũng bị bán tới 66 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị khớp lệnh đạt 17.328 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên hôm qua, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 12% lên mức 14.287 tỷ đồng.