Chiều tối 30-4, nhiều khách hàng vẫn tìm tới trung tâm thương mại Parkson (quận 1, TP.HCM) mua sắm.
Khách vẫn tới mua sắm tại Parkson
Bên trong tòa Parkson Saigon Tourist Plaza Park này có hơn 20 thương hiệu trong và ngoài nước quy tụ, điển hình như Uniqlo, Muji, Kohnan Japan, Versace, Cross, Pucini, Ohui, Joven...
Theo quan sát, đa phần khách hàng tập trung mua sắm ở hai cửa hàng thời trang lớn đến từ Nhật Bản là Uniqlo và Muji. Các cửa hàng nằm ở tầng trệt của trung tâm thương mại Parkson lại đón lượng khách khá khiêm tốn, kể cả đã tung khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm tới 70%.
Mới đây, Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên tòa án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28-4. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 30-4, nhiều nhân viên bán hàng tại trung tâm thương mại Parkson cho biết hiện tại vẫn buôn bán bình thường.
Parkson Việt Nam thuê mặt bằng đến 2030
Năm 2005, trung tâm thương mại Saigontourist (quận 1, TP.HCM) chính thức được bàn giao cho Công ty TNHH Parkson VN (100% vốn Malaysia) với thời hạn 25 năm.
Giá trị hợp đồng cho thuê từ chối tiết lộ nhưng sự xuất hiện của Parkson thời điểm đó là thực sự thay đổi bộ mặt của trung tâm thương mại Saigontourist trước đó, vốn chủ yếu bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và trang sức phục vụ du khách.
Như vậy đến năm 2030, hợp đồng giữa Parkson Việt Nam và Tổng công ty Saigontourist mới kết thúc. Các thương hiệu đang hiện diện trong tòa nhà này như Uniqlo, Muji hay nhiều khách hàng đang thuê sẽ như thế nào khi Parkson Việt Nam phá sản? Nhiều người cũng quan tâm sau khi Parkson Việt Nam rút lui, ai sẽ tiếp quản mặt bằng mới?
Đến nay phía Saigontourist Group, đơn vị sở hữu mặt bằng, vẫn chưa có thông tin chính thức, chỉ cho biết do Parkson là người ký hợp đồng cho thuê với các thương hiệu trên nên hai bên sẽ tự giải quyết.
Trung tâm thương mại Saigontourist - Parkson ban đầu có 4 tầng lầu, tổng diện tích 17.000m², là trung tâm mua sắm hiện đại, từng được xem là nơi mua sắm hàng hiệu hàng đầu của người dân TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 30-4, đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng cho biết hiện Parkson Việt Nam là đơn vị thuê sỉ mặt bằng từ Saigontourist và cho các thương hiệu bán lẻ thuê lại.
Do đó, Parkson Việt Nam ngưng hoạt động sẽ vướng đến ba bên. Nếu Parkson Việt Nam đồng ý chuyển lại tiền cọc mà khách thuê đã đóng cho phía doanh nghiệp này sang cho Saigontourist và các khách thuê đồng ý ký hợp đồng thuê với Saigontourist thì các thương hiệu vẫn hoạt động cho đến khi hết chu kỳ thuê.
Tuy nhiên, vị này cho biết cũng có trường hợp Saigontourist sẽ tìm kiếm một đối tác cho thuê sỉ khác để tiếp nhận lại các hợp đồng này. Còn với trường hợp phía Saigontourist và Parkson Việt Nam chưa có tiếng nói chung, sẽ khó khăn cho các thương hiệu bán lẻ khi phải đàm phán cùng các bên để đảm bảo quyền lợi của mình.
Từ lợi nhuận trăm tỉ đến lỗ nặng
Giữa năm 2005, trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam của Parkson ra mắt với tên gọi Parkson Saigon Tourist Plaza, nằm ở trung tâm quận 1, TP.HCM. Với kết quả kinh doanh tích cực, chỉ ba năm sau, Parkson đã có trung tâm thương mại thứ tư ở Việt Nam.
Thời điểm năm 2008, Tập đoàn Parkson đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, khi mức tăng trưởng đạt khoảng 30%/cửa hàng, tỉ suất lợi nhuận cao vượt trội.
Sau đó Parkson mở rộng tới 9 trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM.
Tuy nhiên từ năm 2014, tình hình kinh doanh bắt đầu suy giảm, không thể tiếp tục gồng lỗ nên Parkson đóng cửa nhiều trung tâm thương mại.
Năm 2020, bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 và các yếu tố khác, Parkson chỉ còn 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Vào thời kỳ hoàng kim năm 2011, lợi nhuận của Parkson tại Việt Nam đạt 115 tỉ đồng. Từ năm 2014, họ bắt đầu chuỗi thua lỗ. Tổng số lỗ lũy kế trong giai đoạn 2014 - 2019 là 420 tỉ đồng.
Trong ba năm gần đây (2020, 2021 và 2022), doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận lần lượt là 35 tỉ đồng, 135 tỉ đồng và âm 35 tỉ đồng.
Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Vietnam Co Ltd đã nộp đơn lên tòa án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28-4.
Xem thêm: mth.10531017103403202-uad-ev-noskrap-gnort-euht-el-nab-ahn-nas-ahp-noskrap/nv.ertiout