Harrison Marshall là người đồng sáng lập CAUKIN Studio, một công ty chuyên về thiết kế. Anh có bằng thạc sĩ kiến trúc và từng làm việc cho hơn 50 dự án trên toàn thế giới.
Tháng 10/2022, Marshall trở lại London sau gần 1 năm làm việc ở Trung Mỹ và Đông Nam Á.
Việc tìm thuê một căn hộ với chi phí vừa túi tiền ở London là điều không hề dễ dàng. Trung bình căn hộ 1 phòng ngủ ở Southwark, một quận ở London, là khoảng 1.850 USD/tháng. Số tiền này đã chiếm đến hơn 75% thu nhập của một kiến trúc sư như Marshall.
Người đàn ông 28 tuổi này đặt mục tiêu tiết kiệm đủ tiền để mua một căn nhà cho riêng mình. Nhưng anh không muốn chuyển đến khu vực ngoại ô thành phố. Vì thế, anh bắt đầu xem xét đến việc sống trong một chiếc… thùng rác.
Cách biến thùng rác thành ngôi nhà tí hon
Công ty kiến trúc CAUKIN Studio của Marshall từng làm việc với phòng trưng bày SKIP Gallery. Đây là nơi cho phép các nghệ sĩ mới sáng tác nghệ thuật với chiếc thùng rác.
Sau khi nghe về dự án của Marshall, một tổ chức từ thiện đã cấp cho anh một khu đất trống ở Soutwark để anh dựng “ngôi nhà” của mình. Hiện anh thuê một chiếc thùng rác của một công ty quản lý chất thải với giá 62 USD/tháng (khoảng 1,5 triệu VNĐ).
Quá trình xây dựng bắt đầu từ tháng 12/2022 và kéo dài trong vòng 3 tuần. Vì đã từng làm một dự án tương tự, anh có đủ công cụ và kiến thức cần thiết cho công việc này. Bạn bè của Marshall cũng đến góp sức vào các ngày trong tuần.
Anh chi tổng cộng 5.000 USD để hoàn thành ngôi nhà, với chi phí vật tư xây dựng (gỗ, vật liệu cách nhiệt) là 4.680 USD và trang trí nội thất là 380 USD. Marshall dùng tiền tiết kiệm để hoàn thành ngôi nhà này và trả 635 USD cho người vận chuyển thùng rác từ nhà sản xuất đến địa điểm xây dựng.
Hóa đơn tiền điện ít đến mức nó được tính gộp trong khoản tài trợ đất của tổ chức từ thiện. Marshall dùng nước từ vòi của khu đất hàng xóm. Đối với Wi-Fi, anh chi khoảng 20 USD/tháng.
Bên trong ngôi nhà tí hon
Diện tích bên trong chiếc thùng chỉ rộng 2,3 m2, vì vậy anh tận dụng tối đa không gian sống. Anh có 4 hộp gỗ để đựng quần áo. Vốn theo đuổi lối sống tối giản và phải đi công tác nhiều, Marshall không có quá nhiều đồ đạc, cũng không cần cho bớt đi bất kỳ món đồ nào.
Phía trên là chiếc giường nằm. Mái vòm của chiếc thùng giúp cho khu vực giường nằm có nhiều không gian hơn.
Đầu đối diện là khu bếp. Chàng kiến trúc sư trẻ có một tủ lạnh mini, một bồn rửa nhỏ và một bếp từ. Cửa sổ từ hai bên hông cung cấp ánh sáng tự nhiên và thông gió, giúp không gian bớt ngột ngạt.
Nhà vệ sinh di động được đặt ở bên ngoài. Và dĩ nhiên, Marshall không có nhà tắm. Anh phải dùng nhà tắm ở nơi làm việc hoặc phòng tập gym, còn quần áo đem giặt ở tiệm.
Làm quen với không gian sống siêu hẹp
Marshall đã sống trong căn nhà siêu nhỏ được vài tháng, vì thế việc giải quyết những bất tiện dần trở nên dễ dàng hơn.
Bù lại, khu đất anh ở là một địa điểm tuyệt vời ở London. Anh chỉ mất 15 phút đi xe đạp để đến công ty. Thời gian rảnh, Marshall đi khám phá xung quanh và giao lưu với bạn bè.
Thử thách lớn nhất đối với Marshall làm quen với sự “nổi tiếng”. Nhiều người ghé qua nhà anh vì thấy căn nhà độc lạ xuất hiện trên thời sự.
Sau khi trải qua nhiều khó khăn, anh đã biến nơi mình sống thành một tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng cho thấy sự phi lý trong cuộc khủng hoảng nhà ở tại London theo một cách vui vẻ nhưng đáng suy ngẫm.
Marshall chia sẻ rằng đây là một trải nghiệm độc đáo, và anh cảm thấy biết ơn vì đã nhận được sự tài trợ hào phóng. Song, anh khuyên mọi người không nên làm theo. Anh vẫn hy vọng bản thân có thể sớm chuyển đến một nơi ở mới rộng rãi hơn.
Theo CNBC