Làm sao để phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần sau kỳ nghỉ lễ dài đã làm xáo trộn thời gian ngủ nghỉ, làm việc, học tập, sinh hoạt?
Cân bằng 8 giờ làm việc, 8 giờ sinh hoạt, 8 giờ ngủ
Với 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, sinh viên Thuận Thành (21 tuổi) đã chọn về quê Gia Lai. Dù có 2 ngày học sau kỳ nghỉ lễ này, nhưng Thành dự kiến "cúp" ở nhà nghỉ đến 6-5 mới trở lại TP.HCM học tập, đi làm thêm.
Thành cho hay trong những ngày nghỉ lễ, thời gian ăn uống của bản thân không cố định, ăn nhiều hơn ngày bình thường. Tương tự, thời gian ngủ cũng nhiều hơn, nhưng tối đến thì ngủ rất muộn, còn sáng lại dậy rất trễ.
"4 ngày nghỉ lễ mình dự 3 cái tiệc. Ăn uống thì không cố định giờ giấc, kiểu thức ăn có đâu thì ăn đấy. Còn ngủ thì nhiều đêm ngủ lúc gần 12h, thậm chí qua ngày hôm sau mới ngủ được, nên sáng dậy rất trễ", Thành kể.
Bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho hay trong 24 giờ mỗi ngày sẽ chia ra 8 tiếng làm việc và học tập, 8 tiếng sinh hoạt (ăn uống, thể dục, vui chơi, chăm sóc bản thân và gia đình...) và 8 tiếng ngủ.
Nếu các khoảng thời gian này bị xáo trộn và kéo dài thường xuyên thì sẽ tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi người.
Bác sĩ Hoàn ví dụ, với giấc ngủ không đủ hay chập chờn, không sâu thì sự phục hồi của cơ thể không được tái tạo như bình thường. Vì vậy sau ngủ dậy, chúng ta vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản, không có sinh lực để bắt đầu làm việc và học tập.
Do đó cần biết cách sắp xếp quỹ thời gian cho các hoạt động trong ngày nêu trên một cách khoa học và hợp lý, cùng với suy nghĩ tích cực thì sức khỏe thể chất và tinh thần được cân bằng trở lại.
Chú ý dinh dưỡng, tập luyện nhẹ nhàng
Theo bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - chủ tịch Liên chi hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, hầu hết người dân sẽ chọn đi du lịch. Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng hiện nay, cơ thể sẽ dễ mệt mỏi, có thể bị cảm nên sức khỏe dễ bị giảm sút.
Không những thế, việc ăn uống trong ngày lễ cũng bị đảo lộn, đặc biệt là tham gia nhiều tiệc vui, cuộc nhậu sẽ làm cơ thể tích lũy nhiều năng lượng thừa. Và có một thực tế là tài chính của cá nhân và gia đình bị giảm sút một phần khi phải chi nhiều khoản tiền để vui chơi ngày lễ.
"Có ba vấn đề thường gặp trong những ngày lễ là đi chơi nhiều thì mệt, ăn uống nhiều thì dư năng lượng, tiền thì cạn đi. Chúng ta phải làm sao tạo ra năng lượng, sức khỏe tốt để quay lại làm việc", bác sĩ Đổng chia sẻ.
Để lấy lại năng lượng sau kỳ nghỉ lễ, bác sĩ Đổng khuyến cáo người dân cần "chấn chỉnh" việc chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách nghỉ ngơi, uống nước nhiều, bổ sung vitamin. Khi vận động nên bắt đầu từ những bài tập nhẹ như đi bộ 15-30 phút, đạp xe đạp, tập bơi... Sau khi tập luyện sẽ giúp cơ thể tạo ra năng lượng, sớm bắt nhịp lại cuộc sống thường ngày.
Với những người ăn uống dư thừa, dùng rượu bia nhiều trong những ngày lễ thì cần tập thể dục và thiết kế lại chế độ ăn phù hợp, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng như ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, bổ sung các vitamin khoáng chất...
Nếu ăn uống vô độ nhưng không biết thiết kế thực đơn và tập thể dục thì cơ thể dần dư năng lượng.
Bác sĩ Đổng cho rằng, việc chi nhiều khoản tiền khi vui chơi trong ngày nghỉ lễ cũng là mục tiêu, động lực để chúng ta sẵn sàng bắt đầu làm việc trở lại.
Mùa nắng nóng, nhiều trẻ bị đuối nước
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết trong tháng 4 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp, điều trị thành công 4 trường hợp trẻ (gần 2 tuổi, 4 tuổi và 6 tuổi) bị ngạt nước. Trường hợp bé gái gần 2 tuổi thì bị té chúi đầu vào xô nước, bé trai 4 tuổi bị chìm ở hồ bơi, bé gái 6 tuổi bị té ao cá tra.
Qua các trường hợp trên, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà; không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; không cho bệnh nhân động kinh bơi.
Khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn. Trẻ phải luôn có người lớn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ.
"Bệnh của ngày thứ hai"
Thời gian nghỉ lễ kéo dài là một khoảng thời gian tuyệt vời để thư giãn, tái tạo năng lượng, tuy nhiên khi kết thúc chuỗi ngày nghỉ lễ, nhiều người lại có cảm giác khó chuyển đổi sang cuộc sống thường nhật.
Tình trạng này được gọi là "bệnh của ngày thứ hai", có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Health cho thấy rằng việc tuân thủ chu kỳ giấc ngủ hằng ngày có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ và cảm giác sảng khoái trong suốt ngày hôm sau. Do đó, khi quay lại cuộc sống thường nhật sau chuỗi ngày nghỉ lễ kéo dài, chúng ta cần thay đổi lại lối sống bằng cách tuân thủ việc đi ngủ, thức dậy vào cùng một thời điểm hằng ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường khả năng thích nghi với các hoạt động hằng ngày, tập trung trong công việc và học tập.
Nếu bạn đã áp dụng các phương thức mà vẫn không thể có một giấc ngủ khỏe mạnh, việc tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh, kết hợp các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt là cần thiết, càng sớm càng tốt.
Thứ hai, hãy tập thể dục đều đặn để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và đầy năng lượng.
Các nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra rằng, việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng và hạn chế sử dụng thực phẩm không tốt cũng rất cần thiết.
Chúng ta nên tập trung vào việc ăn nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất để duy trì sức khỏe và tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Tham gia các hoạt động như yoga, thiền định, tập dưỡng sinh hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Harvard Business Review cho thấy rằng việc lên danh sách công việc giúp tăng sự hiệu quả.
ThS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn
TTO - Kỳ nghỉ Tết kéo dài với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc.
Xem thêm: mth.51431926030503202-iad-el-ihgn-yk-uas-gnoul-gnan-ial-yal-hcac/nv.ertiout