Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh câu chuyện này.
- Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân:
Vì sự an toàn của đoàn tàu
Cần phải xác định metro là công trình trọng điểm cần được bảo vệ của TP.HCM. Đoàn tàu metro số 1 đã bị vẽ bẩn tới hai lần, như vậy TP cần đặt ra câu chuyện với nhà đầu tư, chủ đầu tư... về việc trông coi tài sản như thế nào? Nếu người ngoài lọt vào không chỉ vẽ bậy mà còn phá hoại tài sản, đoàn tàu thì sao?
Chuyện vẽ bậy ở metro không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng xảy ra nhiều. Việc xử lý các vết sơn này rất tốn thời gian, tốn tiền. Bởi thế, ở Pháp, cách đây vài thế kỷ, họ phải tổ chức cuộc thi nghiên cứu loại sơn để sơn lên thành toa tàu. Khi tàu bị vẽ bậy, người ta chỉ cần xịt nước áp suất cao là sạch.
Thời gian qua nhiều công trình giao thông là biểu tượng của TP cũng bị xịt sơn, vẽ bậy ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Ngoài tìm cách xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá hoại, cần có một loại sơn để chống vẽ bậy hoặc dễ tẩy rửa vết bẩn.
- Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP):
Phải bảo vệ an toàn cho công trình đặc biệt
Qua hai lần tàu metro số 1 bị vẽ bậy, chuyện tốn kém tiền sơn lại tàu không phải là vấn đề chủ yếu, mà vấn đề bảo quản tài sản công trình trọng điểm đang rất kém, đáng báo động. Cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm những người có trách nhiệm quản lý để xảy ra tình trạng trên. Hệ thống metro là loại hình đặc biệt, do đó việc duy trì lực lượng bảo vệ cũng phải chuyên nghiệp, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
- Ông Nguyễn Quang Nhựt (phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM):
Quảng cáo để hạn chế vẽ bậy
Ở một số nước đã cho quảng cáo các tuyến đường sắt cao tốc như metro nhưng thường đặt bên trong các toa tàu, thường ốp lên thành tàu bằng hộp đèn. Ở nước ta, hầu hết người dân đi lại bằng xe máy, cho nên ngoài quảng cáo trên tàu còn có thể sử dụng một phần các trụ metro. Khi quảng cáo trên trụ metro có thể tương tác với người dân đi lên tàu metro và cả người đi đường, hiệu quả quảng cáo sẽ rất cao.
Trên thực tế hiện nay đi dọc tuyến metro có rất nhiều trụ cầu cạn bị vẽ bậy. Việc này cũng thấy ở một số công trình giao thông công cộng khác. Việc một phần trụ cầu, công trình giao thông được sử dụng làm quảng cáo sẽ hạn chế được tình trạng nhếch nhác, lại có thêm nguồn thu lớn cho TP tái sử dụng phát triển giao thông. Phía nhà quảng cáo có đội bảo trì bảo dưỡng thường xuyên nên sẽ hạn chế được tình trạng vẽ bậy.
Quảng cáo trên metro mới với nước ta nhưng ở nước ngoài đã triển khai từ lâu và trên thực tế rất hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện có nhiều nhà đầu tư đang mong chờ metro số 1 hoàn thành để có thể tham gia đấu thầu. TP tổ chức đấu thầu sẽ tạo điều kiện cho các bên có nguồn lực tham gia.
- Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM):
Xem xét tổ chức thi vẽ nghệ thuật đường phố
Bên cạnh những quy định, biện pháp chế tài với các hành vi nhân danh nghệ thuật để phá hoại mỹ quan thì cần có những biện pháp phát triển, định hướng đúng đắn.
Việc tổ chức một cuộc thi tạo sân chơi cho các loại hình nghệ thuật đường phố này là một ý tưởng nên xem xét. Những tác phẩm nổi bật sau cuộc thi có thể được chọn để vẽ trên những công trình trọng điểm. Nhưng nếu vẽ trên những công trình như thế thì phải có sự liên kết mạch lạc, phù hợp mỹ quan.
Không chỉ vậy những tác phẩm này nên là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, tuyên truyền, quảng bá nét đẹp về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của TP.HCM và Việt Nam, thay vì những tác phẩm tuyên truyền cổ động khô khan.
Cẩm Nương ghi
Ngồi tù, bị phạt tiền và bị đánh đòn nếu vẽ bậy
Graffiti bị coi là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia. Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong và đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về graffiti, khẳng định đó là một hình thức phá hoại môi trường văn hóa. Ở New York, hình vẽ gây thiệt hại tài sản hơn 250 USD được xếp vào trọng tội cấp E; tài sản bị hư hỏng trị giá hơn 1.500 USD là tội cấp D. Ở bang California, thiệt hại trên 50.000 USD có thể chịu án 1 năm tù.
Tại Anh, tiền phạt có thể lên tới 7.375 USD và 6 tháng tù. Ở Singapore, tiền phạt cho người làm bẩn ga tàu cao nhất có thể lên tới 1.471 USD, 3 năm tù giam và bị đánh 8 roi. Còn ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), tiền phạt bắt đầu từ 136 USD nhưng sẽ tăng gấp đôi với người phạm tội nhiều lần.
Năm 2019, một thanh niên người Mỹ tên Avery White bị kết tội vì vẽ graffiti lên toa tàu đường sắt. Thẩm phán bang Ohio đã cho anh ta hai lựa chọn: ngồi tù 10 ngày hoặc thực hiện việc sơn lan can... bằng bàn chải đánh răng. White lựa chọn lao động công ích và chấp hành bản án vào một ngày rất nắng nóng.
Người phụ trách bảo trì cảnh quan thành phố theo dõi và nghiệm thu kết quả lao động của anh. Việc sơn lan can bằng cọ chỉ cần vài phút, nhưng chiếc bàn chải đánh răng là một thử thách. Bản án đã truyền đi thông điệp đắt giá cho bất cứ ai nghĩ tới việc phá hoại cảnh quan bằng graffiti.
THANH HIỀN
Depot Long Bình: an ninh lỏng lẻo?
Depot Long Bình rộng khoảng 20ha bao gồm các tòa nhà vận hành, bảo dưỡng, xưởng chính, bãi đỗ tàu, đường ray... Nơi đây đang chứa 17 đoàn tàu chuẩn bị cho khai thác thương mại.
Những dấu sơn dạng graffiti nguệch ngoạc vẽ lên tàu metro số 1 được phát hiện vào sáng 30-4. Ngay sau đó, nhà thầu cùng chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã báo cáo với Công an TP Thủ Đức vào cuộc điều ra người phá hoại. Chưa đầy một năm qua, depot Long Bình lại bị người lạ đột nhập vẽ bậy (tháng 6-2022 tình trạng này từng xảy ra - PV).
Theo ghi nhận của phóng viên, ở cổng số 2 của khu depot Long Bình (đoạn giáp với đường số 11 kéo dài đến đường số 5) hiện có hai lớp bảo vệ. Những người không được chủ đầu tư cho phép hoặc cấp phép sẽ không được lại gần hoặc vào khu vực depot. Dọc đoạn này hầu như không có nhà dân ở.
Lớp bảo vệ bên ngoài là hàng rào lưới sắt có chông sắt phía trên. Lớp bảo vệ bên trong là một bức tường bê tông cao khoảng 2m. Tuy nhiên, tại khu vực giáp với đường 15 (khu phố Vĩnh Thuận, phường Long Bình) cách đó vài trăm mét, hai lớp bảo vệ có chiều cao khá thấp. Có những đoạn, chỉ có lớp tường khoảng 1,5m ngăn cách với nhà dân bên ngoài. Ở vị trí này có thể nhìn thấy đoàn tàu metro đang đậu phía trong, cách đó vài chục mét. Người ngoài dễ đột nhập vào khu vực depot Long Bình từ các vị trí này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-5, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết ban quản lý và nhà thầu vẫn đang tiếp tục làm việc với Công an TP Thủ Đức để tìm những người đã bôi bẩn đoàn tàu.
Khu vực depot Long Bình thuộc trách nhiệm quản lý của nhà thầu. Nơi đây luôn có hàng trăm công nhân làm việc mỗi ngày và có hai tầng bảo vệ chặt chẽ, cùng nhiều camera an ninh. Sau vụ việc hai toa tàu metro số 1 bị vẽ bậy vào tháng 6-2022, theo yêu cầu của ban quản lý, nhà thầu đã từng thay công ty bảo vệ mới và tăng cường biện pháp an ninh.
Đến nay ngay khi phát hiện sự cố diễn ra lần hai, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã yêu cầu nhà thầu khắc phục ngay. Đồng thời, nhà thầu có trách nhiệm tiếp tục xem xét thay công ty bảo vệ khác.
Thời gian tới ban quản lý sẽ yêu cầu nhà thầu chấn chỉnh, tăng cường lực lượng bảo vệ, camera an ninh và số lượng đèn chiếu sáng để tình trạng metro bị vẽ bậy không tái diễn, vị đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP cho biết.
Đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại bị xịt sơn, vẽ bậy. Hiện phía nhà thầu đã báo công an vào cuộc điều tra.
Xem thêm: mth.89810255030503202-hnirt-gnoc-ev-oab-oan-pahp-iaig-yab-ev-ib-ortem/nv.ertiout