vĐồng tin tức tài chính 365

Xem Philippines hóa nguy thành cơ

2023-05-03 09:53
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) trao đổi với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 1-5 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) trao đổi với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 1-5 - Ảnh: Reuters

Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Mỹ từ ngày 1-5 diễn ra trong bối cảnh các tàu của Philippines (có chở theo phóng viên quốc tế) vừa bị vây chặn bởi thế trận dày đặc gồm cả dân quân biển, tàu hải cảnh và tàu hải quân của Trung Quốc trong ngày 23-4.

Kết hợp với vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu đèn laser cấp độ quân sự vào tàu cảnh sát biển Philippines hồi tháng 2-2023 và việc Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên cảnh cáo Philippines trong lập trường về vấn đề Đài Loan vào giữa tháng 4-2023, có thể thấy Trung Quốc dường như đang phát huy tối đa thế trận "cận công" đối với nước láng giềng. 

Tuy nhiên trong khi dư luận mong đợi một chương trình nghị sự "đáp trả" mạnh mẽ, ông Marcos dường như đã tìm ra cách tiếp cận tinh tế hơn khi vừa khéo léo thúc đẩy các xu hướng kiểm soát xung đột vừa khai thác những đặc điểm trong cạnh tranh Mỹ - Trung để hoán chuyển thành lợi thế cho thế trận tự chủ chiến lược của Philippines.

Ba xu hướng thúc đẩy hợp tác

Thứ nhất, ông Marcos chọn "mềm hóa" hợp tác quốc phòng nhằm giảm thiểu khả năng tính toán sai lầm bằng cách giới hạn việc tiếp nhận khí tài từ Mỹ trong phạm vi các tàu tuần tra (lớp Island, lớp Protector và lớp Cyclone) và máy bay vận tải C-130.

Không chỉ vậy, cả Philippines và Mỹ đều đạt đồng thuận khi xác định nội dung hợp tác ở bốn căn cứ mới theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) chỉ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Trước đó, chính ông Marcos cũng khẳng định sẽ không cho phép Mỹ được đặt các vũ khí liên quan đến Đài Loan tại bất kỳ căn cứ nào trong khuôn khổ EDCA.

Thứ hai, Manila đẩy mạnh các định hướng "kinh tế hóa" nhằm tăng cường lợi ích chung, tạo sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước. Trong đó, Philippines chấp thuận trở thành "giao điểm" giữa các khuôn khổ kinh tế mà Mỹ đang thúc đẩy nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trong năm nay như Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF), Khuôn khổ kinh tế IPEF và Diễn đàn APEC mà Mỹ đang giữ vai trò nước chủ nhà.

Ngoài ra, Philippines cũng tạo điều kiện cho khoản đầu tư 3 tỉ USD của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) vào chuỗi cung ứng khoáng sản thế mạnh của nước này (đặc biệt là niken có trữ lượng lớn thứ tư và đồng có trữ lượng lớn thứ năm toàn thế giới). Đổi lại, Philippines thúc đẩy thành công quan hệ đối tác về năng lượng hạt nhân dân sự với Mỹ.

Thứ ba, thúc đẩy "nội địa hóa" các khuôn khổ hợp tác kỹ thuật thế mạnh của Mỹ chuyển giao cho Philippines. Điển hình nhất của xu hướng này là việc thiết lập cơ chế đối thoại kỹ thuật hàng không tại Hội nghị bộ trưởng giao thông vận tải APEC sắp tới, và đối thoại không gian dân sự trong đó Philippines được phép tải hình ảnh trực tiếp từ các vệ tinh thuộc chương trình Landsat (thuộc dự án hợp tác từ năm 1972 giữa Cục Khảo sát địa chất Mỹ - USGS với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA) về các trạm mặt đất của nước này.

Âm thầm củng cố tự chủ chiến lược

Nhiều phát biểu của ông Marcos trong chuyến thăm lần này đã nhấn mạnh lập trường không để đất nước bị "lợi dụng trở thành bàn đạp quân sự", chỉ "làm việc vì hòa bình", và đến cuối cùng sẽ chỉ dựa vào Hiệp hội ASEAN vốn được Mỹ ủng hộ trở thành lãnh đạo chủ chốt ở khu vực.

Điều này không chỉ cho thấy lập trường quyết đoán của Manila, mà còn giúp nhận diện ba bước triển khai nhằm giảm phụ thuộc, tăng khả năng điều phối chủ động của họ.

Bước thứ nhất chính là sự cân bằng chủ động ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở các lĩnh vực an ninh nhạy cảm của Philippines. 

Trong đó, để khắc phục ảnh hưởng ngày càng lớn của Tập đoàn Lưới điện nhà nước của Trung Quốc đối với Tập đoàn Lưới điện quốc gia Philippines, việc ông Marcos mở rộng hợp tác nâng cao công nghệ lưới điện thông minh và năng lượng hạt nhân dân sự với Mỹ là một giải pháp hiệu quả. Không chỉ vậy, việc tạo điều kiện cho phía Mỹ tham gia đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nước sạch và an ninh khoáng sản của Philippines cũng là một bước đi nằm trong xu hướng cân bằng này.

Ở bước thứ hai, Philippines hoàn thiện dần mạng lưới viễn thám theo chiến thuật "răn đe bằng cách phát hiện". Trước đây, Philippines củng cố mạng lưới giám sát viễn thám vệ tinh với dịch vụ vệ tinh NovaSAR-1 có liên kết với cơ sở dữ liệu toàn cầu của Trung tâm quan sát Trái đất của Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối thịnh vượng chung (CSIRO) có trụ sở tại Úc.

Cùng với bốn hệ thống radar giám sát đường không tầm xa Horizon 2 - ASRS sẽ được Nhật Bản xuất khẩu và chương trình hợp tác sử dụng không gian để nhận thức lĩnh vực hàng hải với Mỹ vừa thiết lập, mạng lưới viễn thám do Philippines điều phối sẽ được kiện toàn.

Ở bước cuối cùng, các cơ chế do Philippines cùng điều phối sẽ được mở rộng. Sự xác nhận quá trình cùng thiết lập các cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Phi - Nhật, Mỹ - Phi - Úc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh đã định hình sự mở rộng của nhóm cơ chế hợp tác ba bên mà ban đầu Philippines chỉ xây dựng giữa các nước nhỏ (như tam giác tuần tra chung ở biển Sulu giữa Philippines - Indonesia - Malaysia).

Tầm nhìn khu vực

Như vậy, với một chuyến thăm Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao tại các khu vực phức tạp trên biển nhưng Tổng thống F. Marcos Jr. vẫn khéo léo áp dụng một cách tiếp cận tinh tế nhằm "hóa nguy thành cơ".

Sự tính toán thận trọng của ông Marcos đã mở ra cơ hội thuận lợi cho năng lực điều phối nước lớn của không chỉ Philippines nói riêng mà còn cho cả khối ASEAN nói chung, góp phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ ổn định chiến lược cho cả khu vực.

Philippines củng cố hợp tác quân sự, kinh tế với MỹPhilippines củng cố hợp tác quân sự, kinh tế với Mỹ

Mỹ và Philippines tái khẳng định liên minh an ninh đã tồn tại gần trăm năm của hai bên với chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đến Nhà Trắng.

Xem thêm: mth.90351848030503202-oc-hnaht-yugn-aoh-senippilihp-mex/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xem Philippines hóa nguy thành cơ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools