Nhiều người trong số họ không nghĩ ngày nào đó sẽ đặt chân lên mảnh đất hình chữ S một lần nữa.
Gần 30 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng ngàn người trong số đó hoặc thế hệ con cháu của họ đã trở lại không chỉ một mà rất nhiều lần với một tâm thế, tình cảm khác.
Duyên nợ với Việt Nam
"Cha đừng lo. Mọi việc không như cha lo sợ đâu. Cha sẽ thấy ở đây rất thân thiện và hiếu khách", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper kể với chúng tôi về cảm xúc bồn chồn của người cha quá cố - cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Roger Knapper - trước khi lên máy bay đến Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh.
Đó là vào năm 2004, khi ấy ông Knapper chỉ mới sang Việt Nam cùng vợ và con trai được khoảng 7-8 tháng cho nhiệm vụ tham tán chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Việt Nam có một sự liên kết đặc biệt với gia đình Đại sứ Knapper. Ông từng chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng có bốn thế hệ máu mủ ruột thịt của ông đã chứng kiến những thăng trầm của đất nước này và quan hệ Việt - Mỹ.
Bà ngoại ông ở Sài Gòn vào những năm 1960, cha ông từng là một người lính tại miền Nam của Việt Nam và giờ ông đang ở tại Hà Nội, lần thứ hai ở thủ đô Việt Nam sau nhiệm kỳ tham tán chính trị năm 2004.
"Trong chiến tranh, cha tôi có vài tháng ở phía nam Đà Nẵng, sau đó là 10 tháng ở phía bắc Huế. Khi ông đến Việt Nam năm 2004, tôi đã đưa ông quay lại thăm cả hai địa điểm này", Đại sứ Knapper lần giở lại ký ức về ba lần đón cha đến Việt Nam.
Mang theo tấm bản đồ đã cũ có từ thời chiến tranh và trí nhớ về một khu vực được gọi là PK17 cách Huế khoảng 17km, cựu đại tá Roger E. Knapper không mấy khó khăn để đến được nơi cần đến dù cảnh vật đã thay đổi nhiều.
"Thú thật lúc đó tôi thấy ông rất bồn chồn, bởi đã mấy mươi năm trôi qua rồi, lại thêm việc ông còn từng tham gia chiến đấu ở đây nữa.
Bất kỳ ai trải qua cuộc chiến đều cũng sẽ cảm thấy như thế khi trở lại, bởi họ lo lắng không biết mình sẽ được tiếp nhận ra sao, phản ứng của người xung quanh thế nào", đại sứ Mỹ kể lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi tại Hà Nội.
Đối với Đại sứ Knapper, đó là một khoảnh khắc đặc biệt khi cả ba thế hệ cha - con - cháu đại diện cho quá khứ - hiện tại - tương lai cùng đứng tại một địa điểm có ý nghĩa lịch sử với gia đình.
Cựu đại tá Roger E. Knapper còn quay lại Việt Nam hai lần nữa trong ba năm con trai ông làm tham tán chính trị (từ 2004 đến 2007). Họ đã cùng đến thăm vịnh Hạ Long, tham gia những hoạt động mang tính chất du lịch để người cựu chiến binh có thể thực sự nhìn thấy Việt Nam đã thay đổi như thế nào.
Chuyến thăm thứ ba tới Việt Nam, cũng là cuối cùng của ông Roger E. Knapper, bắt đầu từ TP.HCM, dừng chân tại Đà Nẵng một lần nữa, tiếp đó là Hà Nội rồi Sa Pa.
"Khi được chứng kiến đất nước Việt Nam hòa bình và đang phát triển thịnh vượng, người dân Việt Nam đối đãi mình bằng sự nồng hậu, đối với cha tôi, đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ", ông Knapper chia sẻ.
Trong chuyến công tác miền Trung giữa tháng 1-2023, Đại sứ Knapper đã trở lại PK17 như một cách để tưởng nhớ người cha đã qua đời vào năm 2014. Tấm bản đồ về khu vực đó, kỷ vật được người cha trao cho trong chuyến đi năm 2004, đã theo ông Knapper suốt từ ấy đến nay và được ông đặt trang trọng trong phòng làm việc.
Các chuyến thăm Việt Nam mang tính chất cá nhân của cựu binh Mỹ hoặc con cháu của họ như nhà Knapper đã ngày một nhiều trong những năm gần đây. Đó là hạ nghị sĩ Dean Phillips mang theo ấp ủ được đến Việt Nam để đem về Mỹ một nắm đất từ nơi cha ông đã hy sinh năm 1969 khi ông vẫn còn nằm trong nôi.
Hay câu chuyện của anh em nhà Frederic Whitehurst vượt nửa vòng trái đất để trao lại cuốn nhật ký của liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm và gần đây hơn là ông Peter Mathews với quyển nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất.
"Tất nhiên là một cá nhân lại có những lý do riêng của họ để cảm thấy lo lắng. Nhưng khi càng nhiều cựu quân nhân Mỹ quay lại đây, họ đã nhận ra rằng người dân Việt Nam nồng hậu, mến khách thế nào.
Những trải nghiệm đó trở thành các câu chuyện mà những cựu binh truyền tai nhau trong các buổi gặp mặt, rằng Việt Nam chào đón các cựu binh Mỹ quay lại và tận mắt chứng thực những gì đã được nghe kể", đại sứ Mỹ bộc bạch.
Chuyến thăm của những cựu binh Mỹ, dù mang nhiều lý do cá nhân và phi chính thức, vẫn luôn được xem là một phần trong tiến trình hòa giải và tăng cường niềm tin giữa Việt Nam và Mỹ.
Gần đây, Washington đã đưa ra một số sáng kiến hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ. Những nỗ lực như vậy, theo Đại sứ Knapper, hoàn toàn xuất phát từ mục đích nhân đạo, là điều Mỹ cho rằng cần phải làm và không dựa trên những cân nhắc thiệt hơn chính trị nào khác.
"Hãy đến Việt Nam để kết nối lại"
Rời cuộc trò chuyện với Đại sứ Knapper, chúng tôi mang theo một suy nghĩ: "Vậy những người Mỹ sinh ra sau cuộc chiến nghĩ gì về Việt Nam và mối quan hệ này?".
Câu hỏi đó đã dẫn chúng tôi đến ông Cameron Thomas-Shah, người phát ngôn thế hệ cuối 8X của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Thế hệ của ông sinh ra khi tiếng súng đã ngưng và chứng kiến những cột mốc quan trọng đầu tiên trong quan hệ hai nước.
Khi chúng tôi đề xuất một cuộc hẹn phỏng vấn, Thomas-Shah đã nhất quyết mời chúng tôi về căn hộ của ông, thay vì một quán cà phê, để thết đãi những món ăn Việt truyền thống.
Cuộc trò chuyện đã giúp chúng tôi hiểu rằng đó chỉ là một phần lý do. Động lực tìm hiểu về Việt Nam không đến từ sách báo, truyền hình hay công việc hiện tại mà xuất phát từ chính gia đình của Thomas-Shah.
"Tôi có một sự kết nối cảm xúc với Việt Nam vì hai người em gái cùng cha khác mẹ của tôi. Mẹ kế của tôi được sinh ra ở Đà Nẵng. Yến và Ngọc được sinh ra ở Mỹ và vẫn chưa có dịp đến Việt Nam.
Tôi đã chăm sóc và bế chúng khi chúng còn nhỏ, nên tôi rất hứng thú với việc học và hiểu thêm về Việt Nam", ông mở đầu câu chuyện bằng việc kể về sự đặc biệt trong gia đình mình ở Mỹ.
Là anh trai, Thomas-Shah thi thoảng cũng đến thăm hai người em mang một phần dòng máu Việt. Những lúc đó, ông lại tranh thủ dành tình cảm cho các em và dạy tiếng Việt cho họ, bắt đầu bằng cách tập đếm số "một, hai, ba, bốn" hay những câu đơn giản trên đường đến hiệu sách.
Giống như những đứa trẻ khác khi học ngoại ngữ, hai cô em tỏ ra hứng thú song không hiểu được vì sao Thomas-Shah lại dạy họ những điều đó. Nhưng với anh, ngôn ngữ là một phần của sự trưởng thành, sự thấu hiểu về danh tính của mình và là cách để kết nối hai người em gái với gốc gác của họ.
"Bạn biết đấy, có rất nhiều người Việt di cư đến Mỹ và họ có một lịch sử phức tạp, nhiều cảm xúc với Việt Nam. Một điều mà chúng tôi cố gắng làm ở Mỹ, cũng là tâm niệm của các đại sứ từ trước đến nay, là cố gắng thu hút cộng đồng người Việt hải ngoại.
Chúng tôi muốn họ biết một điều: "Này, Việt Nam là nơi bạn có thể đến để kinh doanh và kết nối lại với văn hóa, gia đình của bạn", nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ thêm về cộng đồng 2 triệu người Mỹ gốc Việt. Ông khẳng định không thể nói thay được những người này nhưng tin rằng rất nhiều người trong số họ đang muốn quay lại Việt Nam.
Mẹ của Yến và Ngọc cũng đã quay lại Việt Nam, nơi bà hội ngộ cùng người con trai đặc biệt vào tháng 12 năm ngoái tại TP.HCM. Một người bạn khác của gia đình Thomas-Shah, một cựu binh Mỹ, cũng đến TP.HCM vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm hai miền thống nhất.
"Ông ấy đã tham gia cuộc chiến vào năm 1969. Ông ấy nói với tôi rằng ông không nghĩ có thể sống sót rời khỏi cuộc chiến đó, huống chi là trở lại đây 40 năm sau. Khoảnh khắc đó tôi nhìn thấy một giọt nước mắt đã rơi xuống từ mắt ông.
Ông nhìn xung quanh, nhìn những tòa nhà chọc trời và choáng ngợp. Tôi cũng đã sắp xếp một chuyến đi cho ông qua một công ty du lịch, đi đến những nơi có nhiều kỷ niệm với ông ấy. Không chỉ ông, nhiều cựu binh Mỹ khác trong cuộc chiến đã quay trở lại và kết nối với người dân Việt Nam", Thomas-Shah nhớ lại.
Khi Thomas-Shah "thiên vị"
Khi chúng tôi hỏi với những tình cảm và sự kết nối đặc biệt với Việt Nam, liệu có sự thiên vị nào trong lúc làm việc hay không, Thomas-Shah trả lời "có" nhưng sự thiên vị ấy dành cho quan hệ Việt - Mỹ chứ không phải một cá nhân cụ thể.
"Tôi là người thứ tư trong đại sứ quán hiện tại đã từng ở Việt Nam trước đó. Tôi nghĩ chúng tôi cũng có sự thiên vị nhất định vì chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này", ông chia sẻ và nhắc lại câu nói của Đại sứ Marc E. Knapper rằng không có giới hạn nào trong quan hệ Việt - Mỹ.
Việt Nam là ngôi nhà thứ hai
Giữa cuộc trò chuyện, Thomas-Shah kéo chúng tôi ra một bức tường trong căn hộ và chỉ một vài bức ảnh thả diều cùng trẻ em xã Phú Nhuận thuộc tỉnh Bến Tre năm 2010. Đó là nơi ông đã có những quãng thời gian vui vẻ với tư cách là một sinh viên của chương trình "Học kỳ trên biển".
Trở về Mỹ sau chuyến đi, Thomas-Shah theo đuổi sự nghiệp ngoại giao chuyên nghiệp. "Tôi có thể làm ở Phố Wall hay bất cứ công việc nào, nhưng tôi thấy hứng thú với việc tạo nên những cầu nối từ sự khác biệt văn hóa của con người, đưa họ lại gần nhau, tạo nên sự tương tác giữa những nền văn hóa khác nhau", nhà ngoại giao trẻ của Mỹ chia sẻ.
Quyết là làm, Thomas-Shah bắt đầu với vị trí một thực tập sinh tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Ông trở về Mỹ, sau đó là nộp đơn xin một vị trí ở Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam và chính thức đến Việt Nam với tư cách là một nhà ngoại giao tại phòng lãnh sự của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. Thomas-Shah về nước, đi "nhiệm kỳ" một số nơi rồi trở lại Hà Nội nhận nhiệm vụ mới vào tháng 7-2022.
"Nếu có thể gói gọn trong vài từ, Việt Nam là nơi xa nhà mà cứ như ở nhà. Mỹ là quê hương của tôi và tôi rất yêu. Nhưng khi rời Mỹ tới Việt Nam, tôi cảm thấy rất dễ chịu.
Có thể là bởi vì tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Việt Nam nên tôi đã trở nên quen thuộc với nơi này. Chẳng có điều gì ở đây khiến tôi khó chịu cả. Tôi thực sự thích ở đây và sống xung quanh người Việt", nhà ngoại giao Mỹ tâm sự.
Khi được hỏi có điều gì muốn gửi đến những người hải ngoại vẫn còn định kiến với mối quan hệ này, Thomas-Shah đã mượn một món ăn phổ biến ở mọi miền Việt Nam để kêu gọi. "Hãy đến đây. Cùng ăn phở. Hãy tự hào vì mối quan hệ này đang phát triển và hãy cùng hy vọng về một tầm cao mới".
Hàng chục ngàn cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam
Năm 2015, trang The Christian Science Monitor dẫn ước tính của một số học giả Mỹ cho rằng số lượng cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam lên tới hàng chục ngàn, với hàng trăm người trong số này đã chuyển tới sinh sống hẳn tại Việt Nam cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, kêu gọi công lý cho các nạn nhân dioxin.
Đây là một trong các số liệu hiếm hoi được tìm thấy trên các nguồn mở. Sau tám năm, con số này chắc chắn đã cao hơn nhiều.
Có hơn một chục tổ chức phi lợi nhuận đã được lập ra tại Mỹ nhằm giúp những cựu binh mong muốn trở lại Việt Nam có thể thực hiện điều này với chi phí phải chăng. Vietnam Battlefield Tours là một trong số này và được thành lập bởi những cựu quân nhân đã từng tham chiến tại Việt Nam.
Các hướng dẫn viên, cũng là các cựu binh, không chỉ đưa những đồng đội của họ mà còn bất kỳ ai có mong muốn hiểu thêm về cuộc chiến tại Việt Nam, từ những nhà sử học đến người thân của các cựu quân nhân.
Theo trang web của công ty, tính đến nay các hướng dẫn viên đã đến Việt Nam tổng cộng 192 lần với hơn 1.000 lượt cựu binh Mỹ tham gia.
TTO - Cựu binh Mỹ Chuck Searcy cho rằng sự kiện bình thường hóa mở ra nhiều cơ hội mới để những người từng ở hai chiến tuyến có thể thấu hiểu cho nhau, thông cảm cho nhau và hàn gắn những vết thương vẫn còn âm ỉ.
Xem thêm: mth.56732848030503202-ial-ort-ym-iougn-gnuhn/nv.ertiout