Cuối năm 2017, văn phòng Ủy ban Olympic Campuchia (NOC) "cháy máy" với hàng trăm cuộc gọi từ giới truyền thông khu vực về thông tin "Thủ tướng Hun Sen hủy bỏ việc đăng cai SEA Games 2023". Sau cùng thông tin được đính chính, khi ông Hun Sen chỉ trình bày những khó khăn mà Campuchia phải đối mặt khi tổ chức SEA Games và rồi một tờ báo địa phương mắc lỗi dịch thuật gây hiểu lầm.
Ngày 5-5 tới đây, ngọn đuốc SEA Games sẽ lần đầu tiên được thắp lên tại xứ sở chùa tháp.
Hiểu lầm còn xuất phát từ định kiến. Cộng đồng thể thao khu vực vẫn còn khá xa lạ với việc Campuchia đăng cai một sự kiện thể thao lớn, đặc biệt trong bối cảnh các kỳ đại hội thể thao ngày càng trở thành gánh nặng với nhiều quốc gia. Liệu một đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, một đất nước với GDP thấp trong khu vực có thể đăng cai một kỳ SEA Games tốn kém hàng trăm triệu USD?
Du lịch và thể thao
Thật ra, SEA Games không phải sự kiện thể thao quốc tế đầu tiên mà Campuchia tổ chức. Từ tận năm 1996, xứ chùa tháp đã tổ chức thành công Angkor Wat Half Marathon - một giải đấu thể thao thu hút nhiều sự chú ý. Giải đấu này ra đời từ ý tưởng của huyền thoại chạy bộ Yuko Arimori - người phụ nữ Nhật đầu tiên giành được huy chương marathon ở Olympic.
Song song cùng sự nghiệp lừng lẫy của mình, Arimori còn nổi tiếng với vai trò CEO của tổ chức từ thiện Heart of Gold. Năm 1996, Heart of Golf, dưới sự điều hành của Arimori, cùng Chính phủ Campuchia gầy dựng Angkor Wat Half Marathon như một chương trình hỗ trợ cho các nạn nhân sau chiến tranh ở xứ sở chùa tháp. Giải đấu gây tiếng vang ngay trong lần tổ chức đầu tiên khi thu hút 654 VĐV đến từ 14 quốc gia tranh tài, và nguồn tiền vận động được dành tặng cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc trẻ em ở Campuchia.
Từ đó, Angkor Wat Half Marathon trở thành một sự kiện thường niên có tên tuổi trong cộng đồng chạy bộ. Sau hơn 20 lần tổ chức, giải đấu thu hút đến gần 9.000 VĐV tham dự vào năm 2019 (trước khi bị tạm hoãn vì đại dịch), đồng thời cũng ra đời phiên bản chạy marathon đầy đủ là Angkor Wat Empire Marathon.
Bên cạnh ý nghĩa từ thiện, hệ thống giải Angkor Wat Marathon thu hút đông đảo người nước ngoài tham dự còn vì một yếu tố đặc biệt - được chạy bộ trung khu vực linh thiêng của người Khmer, đồng thời cũng là một kỳ quan thế giới.
Từ hơn 2 thập niên trước, Campuchia đã làm quen với khái niệm du lịch thể thao, bắt nguồn từ chính mảnh đất chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh - Siem Reap.
Thành phố cởi mở
Long Tuon, một hướng dẫn viên người Khmer gốc Việt, tự hào kể cho chúng tôi về những du khách, sau này đã trở thành bạn của anh, từng nhiều lần đến Siem Reap để tham dự Angkor Wat Marathon.
"Angkor Wat là một địa danh nổi tiếng của Campuchia, hẳn nhiên là có nhiều người muốn đến đây để tham quan. Nhưng được chạy bộ ở đây còn mang đến những trải nghiệm khác nữa. Tôi có những người bạn từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Việt Nam từng nhiều lần đến đây dự Angkor Wat Marathon. Họ nói rằng được chạy bộ ở một nơi linh thiêng thế này thật tuyệt. Cảm giác đó hoàn toàn khác biệt so với việc dự một giải đấu lớn rồi thi đấu vì tấm huy chương", Tuon nói.
Angkor Wat Marathon phần nào cho thấy sức hút của khu đền thờ trứ danh xứ sở chùa tháp. Cuối thập niên 1990, doanh nhân Sok Kong trúng thầu bán vé vào Angkor Wat. Vị tỉ phú người Khmer gốc Việt mở ra nhiều hoạt động giúp đẩy mạnh du lịch ở tỉnh Siem Reap, và chỉ riêng việc bán vé đền thờ Angkor Wat đã mang về cho thành phố hàng triệu USD mỗi năm.
Những năm giữa thập niên 2000 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong ngành du lịch ở Siem Reap. Năm 2004, có đến hơn nửa triệu du khách đặt chân đến thành phố, chiếm phân nửa của cả đất nước Campuchia. Anh Long Tuon cho biết có những thời điểm mỗi ngày anh đều dắt các đoàn khách tây và thu nhập mỗi tháng của các hướng dẫn viên như anh lên đến 2.000 - 3.000 USD.
Cố đô của đế quốc Khmer không phải là yếu tố duy nhất giúp Siem Reap phát triển. Ông Hoàng Xuân Khoa, hội trưởng Hội Người Khmer gốc Việt tại Siem Reap, chia sẻ rằng chính tinh thần cởi mở của người dân nơi đây đã làm thay đổi bộ mặt thành phố sau chiến tranh.
"Những năm thập niên 1980 - 1990, những người Việt như chúng tôi vẫn còn bị để ý khá nhiều ở một số tỉnh của Campuchia. Nhưng ở Siem Reap thì khác, người dân ở đây hiền hòa và cởi mở với mọi người", ông Khoa nói.
Hàng ngàn người lính bộ đội trở về từ chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia đã chọn cách quay trở lại Siem Reap để sinh nhai, dù chiến trường nơi đây khốc liệt bậc nhất và cũng là thành trì cuối cùng của Khmer Đỏ.
Món quà cho các địa phương
SEA Games 32 được đăng cai ở cả thảy năm thành phố - gồm Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kampot và Kep. Nếu như Kampot còn được nhiều khách xa gần biết đến với những hàng phố cổ trầm mặc bên dòng sông hiền hòa, nơi có dải Bokor (người Việt Nam quen gọi là núi Tà Lơn) huyền hoặc, thì Kep vẫn còn là địa danh ít được nhắc tới hơn.
Dân đi biển trong vùng vịnh phía nam Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn hay gọi thành phố tí hon với vỏn vẹn trên dưới 50.000 dân này là "thành phố con ghẹ", khi họ đánh bắt gần quần đảo Hải Tặc vẫn hay mua bán, trao đổi sản vật với các ngư dân Campuchia.
Danh Tha, anh chàng làm nghề đưa đón khách từ Việt Nam sang Kep, nói rằng: "Chẳng nơi nào gần Việt Nam như Kep". Chỉ hơn 15 phút đường xe từ cửa khẩu Xà Xía, Kep đã hiện lên với tượng đài con ghẹ bên bờ biển. Có lẽ cũng từ khoảng cách địa lý gần gũi đó mà nhiều khách Việt Nam khi hành hương lên đỉnh Bokor, hay ghé qua Kep với địa điểm quen thuộc là chợ cua, nơi nhiều ngư dân người Khmer lẫn người Chăm mang hải sản đánh bắt được bán và chế biến tại chỗ cho khách du lịch.
"Khách Việt Nam là nguồn thu chính của chúng tôi" - chị Keo Srey kể thêm ở dưới biển ngư dân ở đây hay làm ăn với bạn hàng bên Việt Nam, còn trên bờ thì tiểu thương cũng buôn bán cho rất nhiều khách Việt Nam.
Đại tá Sea Sokha, người được biết nhiều ở vùng biên giới phía nam này, nói biên giới bình yên, việc đi lại giữa hai nước cũng dễ dàng nên người dân hai bên muôn bán sôi động.
Vị đại tá phụ trách đối ngoại thuộc Quân khu 3 cho biết thêm: "Khi tị nạn chiến tranh từ Việt Nam trở về, tôi không còn nhận ra khung cảnh xung quanh nữa. Quân Pol Pot tàn phá khắp nơi". May mắn là còn những khu phố cổ để Kampot giờ đây giới thiệu với bạn bè gần xa. Trước khi SEA Games diễn ra, Chính phủ Campuchia lệnh cho lãnh đạo các địa phương phải chuẩn bị chu đáo, đơn giản thủ tục để khách sau sự kiện này còn trở lại.
Ngày 6-5 tới đây (một ngày sau lễ khai mạc SEA Games), cuộc đua marathon cùng nội dung đi bộ 20km sẽ được diễn ra quanh ngôi đền cổ kính Angkor Wat. Và trên những bờ biển thơ mộng của Kep, của Kampot, của Sihanoukville là các môn thể thao biển đầy thú vị.
Campuchia có thể còn chưa quen với việc tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế, nhưng kỳ SEA Games đầu tiên của xứ chùa tháp vẫn hứa hẹn đáng xem...
Dù từng tác nghiệp ở nhiều kỳ SEA Games, Asiad và Olympic, chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước khu phức hợp thể thao Morodok Techo - niềm tự hào của người Campuchia khi đăng cai SEA Games 32.
Kỳ tới: Di sản của Hun Sen
SEA Games 32 chưa chính thức khai mạc, nhưng Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã để lại nhiều dấu ấn với truyền thông trong khu vực và người dân xứ sở Angkor.